Chưa có thông tin liên quan tới việc quan chức góp tiền xây chùa
Có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh, việc công khai minh bạch thu – chi tại các cơ sở tâm linh thực hiện hay không và cơ quan nào quản lý?
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiều nay (5/6), nhiều ĐB đã nêu câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện các vấn đề trên.
ĐB Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng an ninh nêu chất vấn "có hay không hiện tượng thương mại hoá công trình tâm linh và việc một số quan chức góp tiền xây dựng chùa?".
Đồng quan điểm với ĐB Bộ, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói: “Dư luận hiện nay phản ánh có hiện tượng kinh doanh chùa. Vậy tôi muốn hỏi Bộ trưởng có chuyện đó hay không?”
Ngoài ra, theo ĐB Hòa, việc thu - chi tại các khu vực tâm linh đã có quy định rõ ràng, nhưng thực tế việc công khai minh bạch tại các cơ sở đó có thực hiện hay không và cơ quan nào quản lý việc thu – chi này?
Có thể bạn quan tâm
Nhập nhèm đất du lịch tâm linh
15:30, 05/06/2019
Chùa Ba Vàng: Thực hư việc đi ngược tôn chỉ giáo lý nhà Phật?
13:02, 21/03/2019
Quảng Ninh: Yêu cầu xác minh việc chùa Ba Vàng “gọi vong” thu tiền
23:27, 20/03/2019
"Thỉnh vong" chùa Ba Vàng: Những ai là nạn nhân hãy lên tiếng
12:24, 26/03/2019
Tương tự, ĐB Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá nêu vấn đề về việc một số công trình tâm linh đặt quá nhiều hòm tiền công đức, "vậy việc sử dụng số tiền công đức này như thế nào?".
Trả lời chất vấn về thương mại hóa các công trình tâm linh và lợi dụng tâm linh để thu lợi bất chính, thực hiện hành vi mê tín dị đoan, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, việc thương mại hóa các công trình tâm linh, là hành vi vi phạm pháp luật, cần lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, hiện chưa có thông tin liên quan tới việc quan chức góp tiền xây chùa. Bộ trưởng Thiện đề nghị đại biểu Mai Bộ cung cấp thông tin chính xác để cơ quan quản lý Nhà nước xem có việc này hay không và xử lý theo đúng quy định.
Ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói "đại biểu chất vấn thì chịu trách nhiệm về thông tin mình đưa ra". Bà đề nghị đại biểu Nguyễn Mai Bộ nếu có thông tin việc cán bộ góp tiền xây chùa thì cung cấp để Quốc hội giám sát.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện chưa có văn bản pháp luật quy định về thu - chi tiền công đức; chỉ có thông tư liên tịch giữa Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn sử dụng tiền công đức "phải đúng mục đích, công khai".
Cuối năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 110 về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn thu - chi tiền công đức; Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng thông tư hướng dẫn.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa ra khuyến cáo đặt tối đa 3 thùng công đức tại mỗi khu di tích, cơ sở tâm linh. Tuy nhiên, với góp ý của đại biểu và căn cứ thực tiễn, Bộ sẽ đề xuất việc đặt thùng công đức tại các khu di tích như thế nào nhằm "đảm bảo nếp sống văn minh, văn hoá".
Cũng tại phiên chất vấn, Báo cáo Quốc hội về vấn đề liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện nêu ba nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức. Trong đó, phí tham quan được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Về công tác phòng ngừa mê tín dị đoan, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng hiện còn thiếu văn bản có địa vị pháp lý cao, quy định cụ thể, với các biện pháp răn đe đủ mạnh trong lĩnh vực này.
Việc tuyên truyền cũng chưa đạt hiệu quả cao để xã hội lên án các hành vi trục lợi thông qua tôn giáo, tín ngưỡng. Vì vậy, vẫn còn hiện tượng dâng sao, giải hạn, thỉnh vong.
Thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để "vạch trần thủ đoạn lừa bịp, buôn thần, bán thánh của các đối tượng hành nghề mê tín".
Liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay ba nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức..
Theo đó, phí tham quan được điều chỉnh bới Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Thiện, "hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về quản lý tiền công đức", đồng thời kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn quản lý tài chính tại các lễ hội và tiền công đức.
Cùng với giải pháp đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và đề nghị UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích, gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng.