Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng!

Chi Quang 06/06/2019 11:30

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu về tận dụng cơ hội từ các hiệp định FTA, đặc biệt là CPTPP.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Chính phủ

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam tham gia Hiệp định cùng với 11 nước. 

Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam, ngày 14/1/2019, Thủ tướng đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP, trong đó xác định nhiệm vụ triển khai các cam kết hiệp định này và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định. 

Cho đến nay, đã có 21 bộ ngành, 54 địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP.

Theo Phó Thủ tướng hiện, Chính phủ đang xây dựng, sửa đổi bổ sung 8 luật có liên quan thực hiện cam kết Hiệp đinh, 4 nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Quản lý ngoại thương và an toàn kỹ thuật.

Qua 4-5 tháng việc thực hiện CPTPP, thương mại của chúng ta với một số nước là thành viên của CPTPP tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể,Canada tăng tới 70%, Mexico tăng hơn 80%, với Nhật Bản tăng 4%.

"Điều đó cho thấy CPTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải tận dụng các cơ hội của Hiệp định để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường thành viên”. – Phó Thủ tướng nói và nêu rõ “quan trọng là doanh nghiệp của chúng ta cần tận dụng cơ hội CPTPP để thúc đẩy xuất nhập khẩu với các nước mà chúng ta vừa ký hiệp định này”. 

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp dệt may "gánh" tác động kép khi thực thi cam kết về lao động trong CPTPP

    11:39, 05/06/2019

  • Áp lực sửa đổi quy định về lao động ngành dệt may trong CPTPP

    10:00, 05/06/2019

  • Doanh nghiệp dệt may "gặp khó" vì quy tắc lao động trong CPTPP

    07:10, 05/06/2019

  • Thách thức về sở hữu trí tuệ khi tham gia CPTPP

    13:05, 29/05/2019

  • Nông, thủy sản ĐBSCL đứng ở đâu trong CPTPP?

    07:24, 23/05/2019

  • Cam kết sở hữu trí tuệ phức tạp nhất CPTPP

    04:50, 21/05/2019

  • Da giày lo nguồn nguyên liệu làm tuột cơ hội từ CPTPP, EVFTA

    10:22, 12/05/2019

  • Doanh nghiệp nắm chắc CPTPP: vượt thách thức, chớp cơ hội

    15:30, 09/05/2019

  • Tăng xuất khẩu tôm vào Canada: Cơ hội từ CPTPP

    11:00, 07/05/2019

Các nước tham gia CPTPP có tổng GDP là 10,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu. Tổng dân số là 495 triệu người, chiếm 6,8% dân số thế giới.

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, còn một số vướng mắc trong thực hiện các FTA.

Thứ nhất, do đây là FTA thế hệ mới, có các tiêu chuẩn cao ngay cả lĩnh vực dệt may - lĩnh vực chúng ta có nhiều thế mạnh thì cũng có quy định rất chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa. Việc tận dụng về thuế giảm về không hoặc thấp của dệt may thì chúng ta phải bảo đảm hàng hóa được xuất xứ. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp của chúng ta. 

Thứ hai, chúng ta cũng phải đối phó với hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ để hưởng các ưu đãi của các FTA, trong đó có CPTPP. 

Thứ ba, tranh chấp về đầu tư trong các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, có những điều khoản cho phép doanh nghiệp đầu tư khởi kiện Chính phủ. Đây là một thách thức, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Trong điều kiện đó, Phó Thủ tướng cho biết, “Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, các văn bản thực thi CPTPP. Nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết - điều này rất quan trọng, doanh nghiệp cần hiểu rõ những thuận lợi và thách thức trong thực hiện các hiệp định, đặc biệt là thực thi các cam kết của CPTPP”.

"CPTPP có hiệu lực gần 66 mặt hàng của Việt Nam thuế giảm xuống còn 0%…  đây cũng là thách thức khi hàng hóa nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Do đó, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cạn tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết". - Phó Thủ tướng cho biết thêm.

Hiệp định CPTPP gồm 7 Điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand; cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.

Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.

20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng.

Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP.

Chi Quang