Công ước số 98: Phù hợp nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đều cho rằng Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế là rất cần thiết.
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), rõ ràng độ mở của nền kinh tế chúng ta quá lớn, thì chúng ta đứng trước thách thức “nền kinh tế nhỏ, độ mở lớn”, mỗi sự tác động của thế giới đều ảnh hưởng đến chúng ta. Nhưng cũng có nhiều lợi thế, có như vậy chúng ta mới tham gia, cần phải cố gắng làm nhanh những gì đang có lợi thế thì sẽ chớp được thời cơ…
“Cái đấy là nguyên tắc… hoàn thiện luật nhanh và thực hiện nhanh đi thì sẽ chớp được cơ hội. Nội dung cơ bản của Công ước 98 là bảo vệ người lao động và tổ chức Công đoàn không bị phân biệt đối xử, không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động” – ĐB Sinh nói.
Có thể bạn quan tâm
TS Vũ Tiến Lộc: Công ước 98 đáp ứng thực tiễn kinh tế Việt Nam
10:19, 07/06/2019
Việt Nam gia nhập Công ước 98: Hài hòa hệ sinh thái quan hệ lao động
10:04, 01/06/2019
Tham gia Công ước 98, người lao động được thương lượng tiền lương, thời gian làm việc
16:18, 29/05/2019
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn Hà Nội cũng cho rằng, việc Việt Nam gia nhập công ước về quyền thương lượng tập thể cũng chính là thực hiện cơ chế thỏa thuận về lương, một trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ lao động của kinh tế thị trường.
“Việc phê chuẩn thể hiện tinh thần chủ động, tích cực hội nhập của Việt Nam nhưng đồng thời tạo nên tạo nên môi trường xã hội, môi trường lao động tích cực để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Tất nhiên khi tham gia thì chúng ta phải nội luật hóa để đảm bảo các quy định pháp luật đồng độ, tạo tiền đề cho phát triển và quốc tế nhìn nhận điều này” – ĐB Hiểu nói.
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) cũng đồng tình với quan điểm trên, ông cho rằng, khi tham gia chúng ta phải phấn đấu những tiêu chuẩn tiêu chí mà công ước này đề ra. Đặc biệt, đảm bảo tốt hơn về quyền lợi và các tổ chức của người lao động, các thỏa ước tập thể. Khi tham gia thì người ta sẽ giám sát công ước, sẽ đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động, các tổ chức của người lao động…
Công ước số 98 là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Công ước đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949. Tính đến tháng 1/2019, đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Các đại biểu nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế-quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội. Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác… Đây chính là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam. |