ĐBQH Vũ Tiến Lộc: Công ước 98 đáp ứng thực tiễn kinh tế Việt Nam
Việt Nam tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế là phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và Hiến pháp Việt Nam.
Trước hết tôi xin được bày tỏ quan điểm đồng ý với tờ trình của Chủ tịch nước về việc tham gia công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế, với những lý do sau đây:
Điểm thứ nhất, chúng ta chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và hướng tới những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới. Trong nền kinh tế thị trường hiện đại thì có thị trường rất quan trọng và rất đặc biệt, đó là thị trường lao động. Vì là thị trường đặc biệt nên bao giờ cũng được điều chỉnh không bởi chỉ một cá nhân mà còn bởi cơ chế thương lượng tập thể, giữa hai tổ chức công đoàn và tổ chức sử dụng người lao động. Cho nên, tham gia vào công ước này chính là chúng ta tiếp tục xây dựng khung khổ pháp luật để đảm bảo trong thỏa ước lao động tập thể, trong quá trình thương lượng tập thể được công khai, minh bạch, hiệu quả. Đó chính là nhằm mục tiêu cải cách cơ chế thị trường ở nước ta theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ cho những tổ chức cá nhân không bị đối xử bất bình đẳng. Công ước này đã thể hiện tinh thần đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam gia nhập Công ước 98: Hài hòa hệ sinh thái quan hệ lao động
10:04, 01/06/2019
Tham gia Công ước 98, người lao động được thương lượng tiền lương, thời gian làm việc
16:18, 29/05/2019
Điểm thứ hai, phù hợp với lộ trình chủ động tham gia các hiệp ước quốc tế của Việt Nam. Từ năm 2015, Chính phủ đã có một chương trình hành động để tham gia vào các hiệp ước quốc tế liên quan đến xã hội và người lao động, trong đó có nêu rõ chúng ta sẽ tham gia vào công ước này.
Điểm thứ ba, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nền kinh tế Việt Nam. Thời gian qua, mặc dù tổ chức công đoàn hay tổ chức của người sử dụng lao động đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tuy nhiên công tác thương lượng tập thể vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Như vậy, chưa đảm bảo quyền lợi người lao động, cũng như quyền lợi của người sử dụng lao động, chưa xây dựng được mối quan hệ hài hòa. Thực tiễn nước ta cũng đang đòi hỏi phải nâng cấp hệ thống pháp luật liên quan đến thương lượng tập thể.
Điểm thứ tư, đáp ứng yêu cầu hội nhập của chúng ta. Bởi Việt Nam đã tham gia ILO thì đương nhiên phải chấp nhận các điều ước đã thông qua. Chúng ta đã tham gia CPTPP, hiện tại đang vận động ký kết và phê chuẩn EVFTA, thì một trong những nội dung rất quan trọng là phải thực hiện công ước này của tổ chức lao động quốc tế.
Vậy tại sao các hiệp định thương mại tự do liên quan đến buôn bán hàng hóa lại yêu cầu chúng ta phải thi hành những quy định về quan hệ lao động? Đây chính là điều kiện để đảm bảo cạnh tranh công bằng, các nước không quan tâm đến xã hội chúng ta như thế nào, công đoàn hay người lao động ra làm sao. Họ chỉ quan tâm một điều, đó là làm sao cơ chế hình thành giá lao động hay điều kiện lao động phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp và các nước.
Điều này là yếu tố đảm bảo cạnh tranh công bằng, và cũng là điều kiện thúc đẩy hội nhập của chúng ta. Như vậy, quá trình tham gia công ước này trước hết phù hợp với đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn của chúng ta và đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Đây là những lý do tôi nhất trí với tờ trình.
Theo tôi, hiện nay về cơ bản hệ thống pháp luật của chúng ta đã đảm bảo các yêu cầu của công ước này. Tuy nhiên, còn một số điểm chúng ta cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ nhất, nội lực hóa cần chú ý đến bước đi, chúng ta sẽ có những tổ chức đại diện người lao động khác không phải là thành viên tổ chức công đoàn, như vậy bước đi như thế nào? Tôi đề nghị cần có bước đi phù hợp với thực tiễn và hệ thống chính trị của chúng ta. Bước đầu có thể thành lập ở cấp doanh nghiệp sau một thời gian thí điểm và thực hiện trong thực tiễn thì mới tính đến khung khổ pháp luật và các quy định cho hệ thống này được mở rộng ngoài tổ chức công đoàn.
Thứ hai, liên quan đến tổ chức của người sử dụng lao động, vì công ước này không chỉ nhấn mạnh đến việc không có sự can thiệp hay ảnh hưởng của tổ chức người lao động lên tổ chức của người sử dụng lao động, mà còn có chiều ngược lại, nó cũng ngăn chặn những tác động của hệ thống tổ chức của người lao động lên hệ thống tổ chức của người sử dụng lao động. Chính vì vậy, cần phải đảm bảo bình đẳng trong hệ thống pháp luật, hệ thống tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động.
Trong hệ thống này hiện nay đã quy định rất rõ vai trò của tổ chức công đoàn và trong đại diện người sử dụng lao động, nhưng quy định về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động chưa được rõ. Trên thực tế, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đang đảm nhiệm chức năng này, do đó tôi đề nghị luật hóa trong các quy định pháp luật về luật lao động, cần đảm bảo bình đẳng giữa hai chủ thể trong thương lượng tập thể, là tổ chức người lao động và tổ chức người sử dụng lao động.
Thứ ba, phải nghiên cứu, tái cấu trúc lại quỹ công đoàn. Hiện nay, 2% kinh phí công đoàn là của người lao động đóng góp cho tổ chức công đoàn. Tôi muốn bàn về cơ chế quản lý và vận hành hệ thống này như thế nào, bây giờ có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể đóng quỹ công đoàn, vì các tổ chức đại diện khác của người lao động cũng sẽ có quỹ. Cho nên tôi đề nghị phải thành lập quỹ lao động hay quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam. Điều này cần phải có vai trò của nhà nước, của tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động để bàn bạc và cùng nhau xây dựng chương trình thực hiện quỹ này một cách tốt nhất. Cho nên không thể giữ lại quỹ công đoàn, mà phải là quỹ lao động trên sự tham gia của cả 3 bên. Tôi nghĩ rằng, điều này cần phải có kế hoạch và đưa vào pháp luật của chúng ta.