ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm: "Đau lòng" khi nói giảm đại biểu HĐND để giảm kinh phí
Chính phủ đánh giá tác động theo kiểu giảm 1 đại biểu thì giảm được bao nhiêu kinh phí là phiến diện và "có cái gì đó rất đau lòng".
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP HCM bày tỏ như vậy tại phiên thảo luận trước Quốc hội ngày 10/6.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - TP HCM.
Thảo luận về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 10/6, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với đề xuất giảm số đại biểu của hội đồng nhân dân các cấp từ 10 - 15%, cũng như giảm số phó trưởng ban chuyên trách hội đồng nhân dân từ 2 người như hiện nay xuống còn 1 người.
Cơ bản nhất trí với quan điểm, mục đích Chính phủ đặt ra khi yêu cầu sửa đổi, bổ sung 02 luật này, song đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh: Chúng ta muốn sửa luật và bổ sung luật phải có trên 2 căn cứ, đó là những vấn đề bất cập, vướng mắc của thực tiễn khi thực hiện luật và luật đã điều chỉnh đối tượng luật cần điều chỉnh.
Chính phủ và chính quyền địa phương là hệ thống chính quyền trong cả nước, mục tiêu đặt ra là xây dựng hai lực lượng này đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân đối với hai cơ quan này để sửa luật phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ban soạn thảo đánh giá toàn diện, khách quan, sát thực tiễn yêu cầu khi áp dụng luật, vấn đề hợp lý và bất hợp lý, vướng mắc trong thực tiễn, tránh chủ quan và duy ý chí trong quá trình đề cập đến vấn đề sửa luật. Ví dụ, trong đánh giá tác động tôi đọc thấy có 1 tỉnh đề nghị giảm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Chúng ta đưa ra quy định dựa trên ý kiến đó, mặc dù tôi biết Đảng có nghị quyết về việc này nhưng nghị quyết cũng phải dựa trên thực tiễn đánh giá. Tôi lấy ví dụ vậy để muốn nói đến tính khách quan và tính thực tiễn trong sửa luật và bổ sung luật”.
Thứ hai, theo đại biểu Quyết Tâm là phải căn cứ vào vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn, chức năng của các tổ chức đó để chúng ta tính toán quy định của pháp luật để đảm bảo đạt mục tiêu mà luật đặt ra.
“Luật đặt ra chính là đời sống thực tiễn đặt ra chứ không phải duy ý chí chúng ta đặt ra. Ví dụ, tôi nói giờ nói Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có vị trí rất quan trọng, đó là cơ quan đại diện cho ý trí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, có vị trí, vai trò quyết định những vấn đề cơ bản, quan trọng cho sự phát triển của địa phương, có chức năng giám sát và đưa quy định luật vào cuộc sống, đó là giám sát thực thi pháp luật và nghị quyết của Hội đồng nhân dân v.v...
Nhiệm vụ, vị trí, yêu cầu lớn như vậy, đi kèm theo đó Quốc hội phải có trách nhiệm tổ chức ra một Hội đồng nhân dân như thế nào ở các cấp cho phù hợp, cấp tỉnh, huyện, xã như thế nào? Chứ không phải chúng ta nhắm vào mục tiêu là phải giảm biên chế rồi đặt ra những vấn đề đi ngược lại với mục đích mà chúng ta xây dựng luật cũng như quan điểm Chính phủ đưa ra rất hay, tiến bộ nhưng nó có mâu thuẫn hay không với những điều khoản mà chúng ta đề nghị sửa”. – bà Quyết tâm nêu đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Cần có tiêu chí định lượng với các dự án đầu tư công
13:30, 10/06/2019
Không đồng tình cắt giảm cấp phó HĐND
11:30, 10/06/2019
Tuần làm việc thứ 4: Quốc hội sẽ thông qua 7 Luật
06:30, 10/06/2019
“Không kỳ thị kinh tế tư nhân” là ưu tiên hàng đầu
11:00, 09/06/2019
“Xem xét lại chính sách 3 năm tăng phí 1 lần dự án BOT"
02:00, 08/06/2019
Nợ công vẫn trong giới hạn
00:31, 08/06/2019
Đi vào cụ thể, vị đại biểu này cho rằng, luật lần sửa này chỉ tập trung vào 2 vấn đề lớn: Một là phân cấp ủy quyền; Hai là tổ chức bộ máy. Theo bà Quyết Tâm, "Đã có tiến bộ trong phân cấp và ủy quyền. Tuy nhiên, đọc kỹ các điều khoản sửa đổi trong Luật Tổ chức Chính phủ so với yêu cầu thực tiễn của địa phương và vận hành chung của cả nước để đảm bảo cho các cơ quan Trung ương tập trung vào vi mô, vĩ mô, chính quyền vi mô và sát thực tiễn của địa phương.
Cần xác định năng lực tổ chức bộ máy ở địa phương, chính quyền địa phương có thể làm việc gì, để từ đó phân định ra, phân công nhau làm tốt việc đó, có lợi cho dân, cho nước. Không phải cơ quan này phải làm việc này, cơ quan kia phải làm việc kia. Không phải là vấn đề tranh dành với nhau để làm việc mà vấn đề là ở đâu, cơ quan nào làm việc đó tốt hơn cho dân cho nước”.
Theo đại biểu Quyết Tâm, trong việc phân cấp này bà vẫn thấy chỉ nguyên tắc, ít vấn đề cụ thể. Ngoài việc phân cấp nhóm a về cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì hỏi trong luật này sửa đổi cái gì cụ thể. Trong khi đó hiến định phân cấp, phân quyền phải được quy định trong luật.
Về tổ chức bộ máy, nói đến tổ chức bộ máy là ta nói đến cả Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Trước hết, nói về số lượng đại biểu, bà Tâm đồng ý trong chừng mực nào đó chúng ta cần xem xét để giảm số lượng đại biểu một cách hợp lý nhưng đây là cơ quan dân cử, cần có tiếng nói rộng rãi, có sự đại diện hợp lý cho nhân dân nên cũng không chỉ nhìn vào số lượng đó để giảm một đại biểu thì giảm bao nhiêu kinh phí.
“Tôi nghĩ rằng đánh giá tác động như vậy là phiến diện và 1 cái nhìn cận cảnh không cần thiết, mặc dù đồng tiền của dân đóng thuế, của dân là rất quan trọng. Song, để nói việc giảm bao nhiêu tiền một đại biểu. Tôi nghĩ nó rất thiển cận và có một cái gì đó rất đau lòng. Tại sao lại phân tích đưa ra nhận xét như vậy, mà một đại biểu đại diện cho được bao nhiêu dân, có làm đại diện cho dân được hay không, tôi đề nghị như vậy. Nói đến Phó Chủ tịch cũng vậy, tôi đề nghị phải trên nguyên tắc là hiệu quả, hiệu lực của tổ chức bộ máy đó để chúng ta tính toán chứ không phải chỉ vấn đề tiền và cũng không phải một cách máy móc là vấn đề biên chế. Tôi đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ vấn đề này”. – bà Quyết Tâm đề nghị.
Theo bà, tổ chức một bộ máy như thế nào để nó tương xứng với vị trí, quyền hạn, thẩm quyền nhiệm vụ mà chúng ta giao, mà cả 2 điều đó đều do Quốc hội quyết định, Quốc hội giao nhiệm vụ, quyền hạn và Quốc hội tổ chức bộ máy ấy như thế nào cho tương thích, đó là trách nhiệm của Quốc hội. Bà Tâm đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này trên tinh thần khách quan, không vì một yếu tố nào mà chúng ta đánh mất vai trò của cơ quan dân cử.