Băn khoăn thành lập dân quân tự vệ tại doanh nghiệp
Việc thành lập dân quân tự vệ tại các khu công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, vì mỗi nhà máy có cách tổ chức hoạt động riêng, cần tiếp thu và nghiên cứu cho phù hợp.
Sáng 11/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về điều kiện thành lập dân quân tự vệ tại các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện thành lập dân quân tự vệ tại các doanh nghiệp phải đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đảm bảo tính khả thi vì doanh nghiệp có nhiều mô hình khác nhau.
Theo ĐBQH Trần Việt Khoa (Hà Nội), lực lượng dân quân tự vệ tập trung rất khó khăn, đặc biệt đối với những doanh nghiệp không có tổ chức Đảng, tổ chức cơ sở Đảng còn nhỏ, hay lãnh đạo doanh nghiệp là người nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Gia nhập Công ước 98 có 60% doanh nghiệp ký kết thỏa ước
14:46, 07/06/2019
Phó Thủ tướng khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam-Italy mở rộng hợp tác
00:00, 07/06/2019
Triệt tiêu nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp
16:11, 06/06/2019
Doanh nghiệp dệt may "gặp khó" vì quy tắc lao động trong CPTPP
07:10, 05/06/2019
Giám sát doanh nghiệp nhà nước
03:04, 01/06/2019
“Bệnh nan y” thủ tục hành chính "trói chân" doanh nghiệp
15:56, 31/05/2019
ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện cơ chế hạch toán và tự chủ, nên trong dự án luật, khi xây dựng các cơ chế để huy động lực lượng dự bị động viên tại các doanh nghiệp cần hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Bởi, việc huy động lực lượng dự bị động viên tại doanh nghiệp có thể sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.
Nếu không có cơ chế cụ thể, chủ doanh nghiệp có thể gây cản trở hoặc không tạo điều kiện cho người lao động tham gia lực lượng dự bị động viên. Về quy định hỗ trợ kinh phí, thù lao cho một số đối tượng dự bị động viên, ĐBQH Tùng cho rằng, việc trả thù lao hỗ trợ cho những đối tượng có phương tiện kỹ thuật cần cụ thể. “Trả bồi dưỡng bằng ngày công cho những người tham gia lực lượng dự bị động viên không trực tiếp lao động sản xuất tại doanh nghiệp như thế nào cần được làm rõ hơn”, ông Tùng nói.
Theo các đại biểu, lực lượng dự bị động viên trong doanh nghiệp là cần thiết vì chiếm số lượng rất lớn, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu kỹ để xây dựng những quy định có khả năng thi hành trong thực tế khi huy động lực lượng dự bị động viên là lao động trong doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) nêu quan điểm, theo quy định, Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết, doanh nghiệp tư nhân…
Tuy nhiên, tham gia dự bị động viên là một nội dung nằm trong nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc của mỗi công dân. Chính vì vậy, cần quy định rõ trong dự thảo luật về nghĩa vụ bắt buộc phải bố trí lại công việc cho người lao động của doanh nghiệp sau khi họ thực hiện nghĩa vụ dự bị động viên trở về.