Tỷ trọng các khoản thu từ đất đai, dầu thô và tài nguyên còn lớn
Cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, tỷ trọng thu nội địa còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra và thu tiền sử dụng đất vượt khá cao so dự toán.
Chiều nay (11/6), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, với tỷ lệ tán thành là 443/448 tương đương (91,53%) đại biểu tham gia tán thành.
Báo cáo bổ sung tình hình ngân sách 2018, dự toán 2019 của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, thu ngân sách năm 2018 đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng. Con số này tăng tới hơn 100 nghìn tỷ đồng (+8%) so dự toán Quốc hội giao.
Nhìn chuỗi thời gian 5 năm gần đây cho thấy, thu ngân sách liên tục tăng mạnh. Nếu như năm 2013, thu ngân sách mới chỉ đạt con số hơn 828 nghìn tỷ đồng thì 5 năm sau, kết quả thu ngân sách đã vượt xa con số triệu tỷ đồng như đã nói ở trên. Như vậy, sau 5 năm, thu ngân sách đã tăng thêm 572 nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 nêu rõ: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.683.045 tỷ đồng, bao gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2016 sang năm 2017, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2016, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Cơ cấu nguồn thu chưa bền vững Nhìn số thu trên được đánh giá là tăng. Số thu tăng chủ yếu nhờ tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu từ cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước. Trong khi đó, số thu từ khu vực sản xuất lại chưa tương xứng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới liên tục đạt kỷ lục, chẳng hạn năm 2018 tăng tới 131 nghìn doanh nghiệp, nhưng cũng có tới 107 nghìn doanh nghiệp (bằng 81,4% doanh nghiệp thành lập mới) chấm dứt kinh doanh, giải thể, tạm ngừng kinh doanh. Báo cáo của Chính phủ đánh giá “thực chất năng lực sản xuất mới tăng thêm của nền kinh tế không lớn”. Đồng thời, các doanh nghiệp mới thành lập (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ) được hưởng những chính sách ưu đãi thuế theo quy định của pháp luật, do đó đóng góp số thu cho ngân sách không nhiều. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất lớn (như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Sam sung Thái Nguyên, Công ty thép Formosa... ) tăng trưởng tốt nhưng đang trong giai đoạn được hưởng chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp hoạt động, số đơn vị có lãi chỉ chiếm khoảng 40% tổng số doanh nghiệp kê khai; số doanh nghiệp phát sinh thuế giá trị gia tăng dương chỉ chiếm khoảng 26% tổng số doanh nghiệp kê khai. Khi kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cũng tỏ băn khoăn với con số thu ngân sách tăng mạnh. Ví dụ như năm 2017, kết quả tăng thu chủ yếu cũng từ tiền sử dụng đất (61.713 tỷ đồng); lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (15.201 tỷ đồng). Kiểm toán Nhà nước cho rằng: Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì thu nội địa chỉ đạt hơn 885 nghìn tỷ đồng, thấp hơn dự toán được giao (885.881 tỷ đồng/902.580 tỷ đồng). Còn nếu chỉ loại trừ dầu thô, thì thu nội địa đạt hơn 1,03 triệu tỷ đồng, cao hơn dự toán được giao gần 49 nghìn tỷ đồng. |
Có thể bạn quan tâm
Hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước tại các vùng miền còn hạn chế
06:25, 22/05/2019
Thu ngân sách Nhà nước đã vượt 7,8% dự toán Quốc hội giao
21:11, 02/02/2019
Việt Nam vẫn dùng mô hình ngân sách Nhà nước kiểu “Búp bê Nga”
00:00, 02/04/2019
Rủi ro hoà vốn ODA vào ngân sách Nhà nước do thủ tục pháp lý
08:49, 27/01/2019
Vì sao thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững?
16:13, 15/10/2018
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng cho biết tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.681.414 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018. Bội chi ngân sách nhà nước là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.
Nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương gồm: vay trong nước 70.125 tỷ đồng; vay ngoài nước 66.838 tỷ đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 283.981 tỷ đồng.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu cho rằng, chính sách tài khóa năm 2017 chưa thực sự hiệu quả, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, tỷ trọng các khoản thu từ đất đai, dầu thô và tài nguyên còn lớn.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, mặc dù xét về tổng thể, tỷ trọng thu nội địa chiếm 80,3% tổng thu NSNN, tăng so với 2 năm liền kề và cao hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 (68%); thu ngân sách giảm dần sự phụ thuộc vào thu dầu thô, xuất nhập khẩu (chiếm khoảng 19,1%, thấp hơn bình quân giai đoạn 2011-2015 là 30,4%), ông Hải nêu rõ.
Việc thực hiện chính sách tài khóa theo hướng chủ động, linh hoạt, chặt chẽ và tiết kiệm đã góp phần bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hải thừa nhận: Đúng như các vị ĐBQH đã nêu, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, tỷ trọng thu nội địa còn khoảng cách khá lớn so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính giai đoạn 2016-2020 (84-85%), thu tiền sử dụng đất vượt khá cao so dự toán.
UBTVQH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị để tái cơ cấu NSNN, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.