Việt Nam - Hàn Quốc: Văn hoá làm nền tảng hợp tác kinh tế

Nguyễn Việt 20/06/2019 15:58

Mỗi năm Việt Nam cần từ 18- 20 tỷ USD để phát triển hạ tầng, bên cạnh các quốc gia khác, sự hợp tác và đầu tư từ phía các doanh nghiệp Hàn Quốc có ý nghĩa rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục có các hoạt động tại Hàn Quốc khi làm việc với Hiệp hội tài chính KOFIA và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Hiệp hội tài chính KOFIA. Ảnh: Nguyễn Việt

Sáng 20/6, tại Seoul, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp tục có các hoạt động tại Hàn Quốc khi làm việc với Hiệp hội tài chính KOFIA và Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI). Ông Jo Young Won, Chủ tịch Hiệp hội tài chính Hàn Quốc (KOFIA) cho biết, đây là lần đầu tiên một đoàn cấp cao của Việt Nam tới thăm và làm việc với KOFIA.

Việt Nam coi trọngquan hệ với Hàn Quốc

Ông Jo Yuong Won dẫn ra nhiều ví dụ điển hình về hợp tác và mối quan hệ giữa hai quốc gia trong các lĩnh vực văn hoá, điện ảnh, bóng đá về vị huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo của đội tuyển bóng đá Việt Nam. “Những hiểu biết về văn hoá, xã hội sẽ làm nền tảng quan trọng cho hợp tác về kinh tế giữa hai quốc gia”, ông Jo Yuong Won bày tỏ và mong muốn KOFIA sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai quốc gia tốt hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp gỡ các Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốcp/ 

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp gỡ các Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc  

    18:50, 19/06/2019

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Mi-an-ma

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại Mi-an-ma

    19:25, 17/06/2019

Chủ tịch KOFIA cho biết, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Tính tới tháng 5/2019, các quỹ tài chính của Hàn Quốc đã đầu tư ra nước ngoài là 144,5 tỷ USD, nhưng riêng đầu tư vào Việt Nam là 3,5 tỷ USD, so với năm 2015 thì mức đầu tư này tăng 13 lần. Hiện có 16 công ty tài chính là thành viên của KOFIA đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu và tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thời gian ngắn tới, các công ty tài chính này sẽ ký Biên bản ghi nhớ để cung cấp tài chính, tín dụng mở rộng cho các doanh nghiệp ở Thành phố Hải Phòng. 

“Dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ vượt Singapore, chúng tôi mong muốn sự hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn nữa, quan hệ giữa 2 nước ngày càng tốt đẹp”, Chủ tịch KOFIA nói. 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Hàn Quốc là đối tác ODA lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại Việt Nam. Hai nước cũng có nền văn hoá tương đồng, giao lưu nhân dân sôi động, mỗi tháng có 1.000 chuyến bay kết nối giữa 2 nước, khách du lịch hai chiều đạt 4 triệu lượt/năm. “Đặc biệt, huấn luyện viên Park Hang Seo đã tạo nên một không khí bóng đá tuyệt vời khắp Việt Nam. Đó là những cơ sở để chúng ta để tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Vẫn theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao với mức 6,8-7%, tỷ lệ lạm phát thấp, Chính phủ Việt Nam đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh ổn định. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang diễn ra, cấu trúc các dòng đầu tư có sự thay đổi căn bản, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ gặp những khó khăn nhưng hai nước cần đón được cơ hội từ điều kiện hiện nay để tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh. “Việt Nam là một điểm đến rất hấp dẫn với các nhà đầu tư, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, và cho biết cuối năm 2018 quy mô thị trường chứng khoán đã đạt trên 80% GDP, hoàn thành trước 3 năm so với yêu cầu của Chính phủ. Nếu tính cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ thì quy mô thị trường tài chính vượt 110% GDP.

Luật chứng khoán đã được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua vào cuối năm nay để có đề xuất căn bản hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. Việt Nam cũng có chính sách phát triển thị trường trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp, trong thị trường cổ phiếu sẽ phát triển mạnh thị trường chứng khoán phái sinh và sắp tới sẽ ra mắt sản phẩm chứng quyền có đảm bảo. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP HCM cũng sẽ được sáp nhập để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư.

“Với điều kiện hiện nay, các ngành nghề khác luôn có room cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam sẽ mở cửa thị trường tài chính nhanh hơn trình độ phát triển của quốc gia. Tới đây, chúng tôi sẽ có hình thức cổ phiếu không có quyền biểu quyết để bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư tài chính nước ngoài”, Phó Thủ tướng bày tỏ với các doanh nghiệp KOFIA.

Việt Nam: Đối tác hướng Nam của Hàn Quốc

Đề cập tới đầu tư hạ tầng tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết nhu cầu của Việt Nam rất lớn, mỗi năm năm cần từ 18-20 tỷ USD để phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng. Ngoài vốn đầu tư công thì cần thu hút những nguồn vốn ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội. “Với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn các bạn tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh và cũng muốn có thêm nhiều nhà đầu tư mới đến Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và hạ tầng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gợi ý.

Trong khi đó, tại Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI), ông Chang Soo Huh Chủ tịch FKI khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác đứng đầu trong chính sách “hướng Nam” mới của Hàn Quốc. Bày tỏ sự trân trọng với các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam có độ mở nền kinh tế rất lớn, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 500 tỷ USD/năm.

Việt Nam sẽ liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và có chiến lược mới về chủ động thu hút FDI, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp nội địa. Việt Nam chào đón các doanh nghiệp mới của Hàn Quốc tham gia đầu tư vào các lĩnh vực điện sinh khối, năng lượng tái tạo và hạ tầng giao thông. Trao đổi với các doanh nghiệp của FKI, Phó Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam không kêu gọi các doanh nghiệp kiên nhẫn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh mà chính phủ và chính quyền địa phương sẽ tích cực giải quyết nhanh chóng các vướng mắc của doanh nghiệp, kể cả ở trong và ngoài nước”.

Nguyễn Việt