Sự “đồng điệu” của báo chí
Mỗi chính sách được ban hành mà không tìm được sự đồng thuận của cộng đồng, sự “đồng điệu” của báo chí sẽ trở nên đắt đỏ.
Chính sách ở nghĩa hẹp có thể coi là sự "phản ứng" của chính quyền trước một vấn đề của cuộc sống. Sự ủng hộ của báo chí và sự đồng thuận xã hội trước hết là nền tảng tinh thần để một chính sách có thể được thực hiện thành công.
Nền tảng tinh thần
BOT là sự phản ứng của chính quyền trước vấn đề thiếu hụt ngân sách để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Chính sách này ban đầu không bị phản đối, nhưng sau đó lại không được ủng hộ. Bắt đầu là sự không ủng hộ của báo chí, sau đó lan rộng ra thành sự không ủng hộ của đông đảo công chúng. Thiếu sự ủng hộ, việc thực thi chính sách BOT trở nên hết sức khó khăn. Mọi loại chi phí liên quan đến BOT đều bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Từ một chính sách đúng đắn, BOT đối mặt với rủi ro trở thành một vấn đề nan giải.
BOT chỉ là một trong rất nhiều chính sách được ban hành. Cái khác biệt là nó cho thấy rất rõ sự ủng hộ của báo chí và sự đồng thuận xã hội quan trọng đến nhường nào.
Báo chí và các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi chính sách sẽ giúp củng cố lòng tin và sự ủng hộ của công chúng.
Không ai có thể có đủ tâm lực để thúc đẩy một chính sách, khi chính sách đó bị công luận phê phán. Thực tế, từ các nhà hoạch định chính sách, đến những người thực thi chính sách, ai ai cũng muốn làm việc nghĩa. Việc nghĩa là việc có ý nghĩa đối với xã hội và được xã hội tôn vinh. Thế thì một việc được xã hội tôn vinh sẽ mang lại động lực tinh thần, một việc bị xã hội dè bỉu sẽ triệt tiêu động lực đó. BOT được xã hội coi là chính sách huy động vốn tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước sẽ tạo ra động lực tinh thần. BOT bị xã hội coi là kế sách để thu tiền của dân vì lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm sẽ triệt tiêu động lực tinh thần đó.
Sự ủng hộ của báo chí và sự đồng thuận xã hội còn là điều kiện để cắt giảm chi phí thực thi chính sách. Một chính sách được người dân ủng hộ, thì người dân sẽ tự nguyện thực thi. Ngược lại, một chính sách bị người dân phản đối, thì người dân sẽ tìm cách né tránh. Trong trường hợp như vậy, chi phí tuân thủ cho một chính sách sẽ đắt đỏ đến vô cùng. Lấy chính sách BOT làm ví dụ khi một ngàn lẻ một cách phản đối đã được nghĩ ra để bày tỏ sự bất bình đối với nó (từ việc trả phí bằng tiền lẻ, tự cắm trạm đếm xe…). Điều này đã làm cho chi phí xã hội để thực thi BOT tăng lên rất cao.
Giám sát và đồng thuận
Để bảo đảm sự đồng thuận xã hội, cả công đoạn hoạch định chính sách và công đoạn thực thi chính sách đều cần được quan tâm xử lý. Và báo chí đóng một vai trò rất quan trọng ở đây.
Ở công đoạn hoạch định chính sách, quan trọng nhất là tham vấn ý kiến của công chúng. Mà công cụ để tham vấn công chúng hiệu quả nhất chính là báo chí. Tham vấn công chúng giúp cho các nhà hoạch định chính sách thấy được các góc nhìn rất khác nhau của xã hội, thấy được những lợi ích rất khác nhau có liên quan. Sự thật là trong mỗi một chính sách đều có những người được hưởng lợi và những người bị tác động tiêu cực.
Thiếu tham vấn công chúng sẽ khó nhận biết được lợi ích tổng thể để thiết kế chính sách một cách công bằng. Trong chính sách BOT, ngoài lợi ích của các nhà đầu tư và của các nhà kinh doanh vận tải rất dễ xung đột với nhau thì cao hơn là lợi ích của quốc gia. Chính sách bao giờ cũng cần được thiết kế sao cho lợi ích này được bảo đảm. Mà như vậy, thì sự thấu hiểu của nhóm xã hội có thể bị tác động tiêu cực của chính sách là rất quan trọng. Đây là lý do tại sao truyền thông của báo chí bao giờ cũng phải là một phần cấu thành không thể thiếu của quy trình chính sách.
Ở công đoạn thực thi chính sách, điều quan trọng là phải thiết kế được một cơ chế giám sát hữu hiệu. Một chính sách cho dù tốt đẹp đến đâu cũng vẫn rất dễ bị méo mó trong quá trình thực thi. Chính sự méo mó này sẽ bào mòn sự ủng hộ của công chúng. Khi sự đồng thuận xã hội đã không còn, thì việc tiếp tục triển khai chính sách sẽ vô cùng khó khăn.
Tóm lại, trong một nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạch định chính sách, thực thi chính sách và bảo đảm sự đồng thuận xã hội là những công việc có ý nghĩa quan trọng như nhau và phải được triển khai đồng thời. Để làm được điều này báo chí là lực lượng quan trọng nhất để triển khai một chiến lược truyền thông hữu hiệu.