ODA - Nợ công: Nghịch lý “vay tiền chưa biết tiêu”
Nợ công cao trong khi vốn ODA tính vào nợ công ngày càng hẹp, phải tính toán từng đồng, lại đang có nguy cơ hẹp hơn nữa khi tiến độ giải ngân không đạt mục tiêu.
Dự án đường sắt đô thị TP HCM, tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên của TP HCM là một trong những dự án đình đám có vốn đầu tư đến từ nguồn ODA. Đây cũng là đại dự án điển hình của việc đội vốn, cũng như chậm trễ giải ngân vốn đầu tư khiến các nhà tài trợ, nhà thầu phải lưu ý.
6 nhóm ngân hàng tài trợ ODA đối với Việt Nam có mục tiêu hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam đạt được hiệu quả tốt nhất trong sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giúp phát triển kinh tế, xã hội. Các ngân hàng có những quan ngại liên quan đến trần nợ công của Việt Nam. Việc chuẩn bị các chương trình, dự án thuộc nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn kéo dài do các quy trình thủ tục khá phức tạp, thay đổi thường xuyên... Bên cạnh đó, Việt Nam còn thiếu sự thống nhất trong phê duyệt các dự án cũng như điều phối các nguồn vốn tài trợ từ nhóm ngân hàng. Trong bối cảnh Việt Nam chuyển sang nền kinh tế có mức thu nhập cao hơn, các nhóm ngân hàng phát triển cũng có những hướng đi phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của Việt Nam, để từ đó các khoản vay ODA và khoản vay ưu đãi sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cao hơn, đáp ứng hơn nữa nhu cầu của Việt Nam. Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính: Trong các giải pháp tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững phải xác định nhiều yếu tố. Chẳng hạn như bảo đảm huy động vốn để phục vụ phát triển; lựa chọn chi phí phù hợp, hạn chế rủi ro; bảo đảm chỉ tiêu an toàn nợ công và cuối cùng là hướng đến phát triển thị trường vay vốn trong nước và thị trường trái phiếu Chính phủ, hạn chế các khoản vay nước ngoài để không ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Riêng về cấp bảo lãnh chính phủ đã được thực hiện chặt chẽ từ đầu bằng những quy định pháp lý, đảm bảo giới hạn nợ vay an toàn và khả năng trả được nợ, không tăng thêm gánh nặng cho nợ công. Việc cấp bảo lãnh chính phủ được ưu tiên cho các dự án có tầm quan trọng đặc biệt cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. |
Nút thắt thủ tục – chậm quyết “tiêu tiền”
Cuối năm 2018, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Umeda Kunio, từng gửi thư cho Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, bày tỏ quan ngại việc chậm giải ngân dự án Metro Bến Thành-Suối Tiên. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo TP HCM chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của dự án.
Ông Umeda cho rằng, dự án đã bị chậm phê duyệt quyết định đầu tư (điều chỉnh), dẫn tới không được phân bổ ngân sách từ tháng 10 năm trước. Do vậy, lãnh đạo Thành phố cần tác động tới các cơ quan cấp trên để dự án được phê duyệt.
Dự án Metro được Thành phố phê duyệt công trình với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật). Thời điểm này dự án được xác định thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư vào năm 2009 là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen Nhật) - thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt. Theo đó phải chờ Bộ GTVT làm tờ trình Quốc hội.
Theo dữ liệu Bộ Tài chính, nợ công năm 2018 là 58,4% GDP; nợ Chính phủ là 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách là 15,9%. Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP.
Dự án này có điểm đặc biệt là tổng mức đầu tư lớn, công trình đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, song luôn trong tình trạng "đói" vốn mà không phải không có tiền đầu tư. Trước đó, Quốc hội đã phê duyệt nâng trần vay vốn ODA trung và dài hạn lên 60.000 tỷ đồng nữa, mở nguồn cho vốn đầu tư công. Tuy nhiên, việc thẩm định tăng vốn chậm trễ vẫn dẫn đến dự án Metro đình trệ, thiếu vốn thi công.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi rằng: Qua quá trình chuyển quy mô dự án (từ nhóm A lên trọng điểm quốc gia), ai là người chịu trách nhiệm phê duyệt? UBND TP HCM hay Chính phủ trình phê duyệt?
Ngoài ra, đáng chú ý tại dự án này, như một điển hình của nghịch lý “có tiền không thể tiêu” – là theo Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP HCM, tuyến Metro số 1 đang thiếu vốn trầm trọng, TP HCM đã phải tạm ứng 1.000 tỷ đồng, nhưng chính tại dự án này, đang “thừa” 1.000 tỷ đồng mà không sử dụng được. Theo đó, ông Vũ Hoài Nam lý giải, 1.000 tỷ đồng còn dư là vốn dành cho thiết bị, xây dựng chưa xong thì không sử dụng được nguồn vốn này. Hiện nay, luật không cho phép sử dụng nguồn vốn ở hạng mục này cho hạng mục kia, thành ra, 1.000 tỷ đồng để đó mà không xài được. Đây chính là vướng mắc của thủ tục hành chính phức tạp khiến vốn không thể giải ngân.
Khơi thông vốn ODA hiệu quả, giải pháp nào?
Theo kiến nghị của 6 ngân hàng tài trợ vốn ODA cho Việt Nam đối với Chính phủ Việt Nam mới đây, những công việc mang tính chất hệ thống còn hạn chế việc giải ngân và đưa vốn ODA đến đích hiệu quả mà các bên cần hợp tác xử lý, cụ thể là: Thủ tục và quy trình, các quy định hiện tại của Chính phủ Việt Nam; mức độ sẵn sàng của các dự án; kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch phân bổ ngân sách đối với nguồn vốn ODA; các quy trình, thủ tục liên quan đến cho vay lại...
Một chuyên gia cho biết đối với các dự án hạ tầng được bố trí vốn từ nguồn ODA, sự chủ động và nắm bắt, thấu suốt các quy trình, thủ tục liên quan đến cho vay lại của các cơ quan hữu quan, chức năng có thẩm quyền sử dụng, tiếp vốn, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, còn khá hạn hẹp.
“Năm 2018 Chính phủ đã có Nghị định 97/2018/NQ-CP-vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ trong đó các quy định rõ về vay lại ODA và vay ưu đãi tỷ lệ từ 30% từ địa phương, riêng TP HCM và Hà Nội được vay lại tới 100%. Tuy nhiên, bản thân địa phương cũng chưa nắm chắc hoặc chưa tận dụng được tối ưu quyền và tỷ lệ vay lại này. Chẳng hạn ngay như tại dự án Metro, TP HCM và Bộ Tài Chính cũng đã thực hiện ký hợp đồng vay lại, nhưng hợp đồng lại chưa xác định được giá trị vay lại cụ thể là bao nhiêu. Do vậy thiếu cơ sở để lập kế hoạch vốn cho dự án. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra vấn đề này trong báo cáo kết quả kiểm toán về dự án Metro số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên vào cuối 2018”, chuyên gia nói.
Báo cáo Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, có khá nhiều điểm chưa hợp lý trong sử dụng vốn ODA đúng Luật Quản lý nợ công và các quy định tại dự án Metro. “Tham vấn chuyên môn về giải ngân cho thi công dự án và tham vấn chéo để quản lý vốn, quản lý tổng thể dự án giữa các tổ công tác tại Ban Quản lý các dự án dường như đang có lổ hổng... có thể nói đây là một trong những vấn đề cần phải khắc phục khi nhiều dự án đầu tư công sử dụng vốn vay của Chính phủ… dễ bị tình trạng sờ đâu cũng thấy vấn đề”.
Ngoài ra, liên quan đến yếu tố vướng mắc giải phóng mặt bằng, đây lát cắt phản ánh sự sẵn sàng của các dự án đầu tư và cũng là điều mà các dự án tiếp vốn ODA thường rơi vào tình trạng chậm trễ giải ngân, chậm tiến độ, đội vốn và ICOR tăng vọt.
Mặt khác khi vốn ODA ngày càng hẹp mà áp lực giải ngân vẫn rất căng, việc tranh thủ từng đồng vốn hiệu quả hơn và hướng tới giảm nợ công là bài toán lớn, cả trước mắt lẫn dài hạn của Chính phủ. Trong khi Việt Nam đang ngày càng sát gần với thời điểm phải tiếp cận vốn vay lãi suất theo thị trường, việc mở rộng cửa vốn để đa dạng hóa nguồn lực, không phụ thuộc ODA cũng ngày càng gấp rút.