Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Cần giải bài toán liên kết điều phối
Thực hiện tốt tính liên kết vùng cần có sự phối hợp đồng bộ, tổng thể dưới góc độ toàn vùng. Trong đó, thu hút đầu tư, tránh cạnh tranh nhỏ lẻ gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung cần được chú trọng.
Cần giải bài toán liên kết
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) hiện chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả. Sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng KTTĐ và các Tổ điều phối của các Bộ, ngành trung ương, Hội đồng Vùng KTTĐBB và các địa phương trong vùng chưa toàn diện và thường xuyên.
Quy hoạch không gian phát triển Vùng KTTĐBB còn hình thành thụ động, chưa rõ nét theo định hướng. Chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng này với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vẫn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ vẫn là phổ biến, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh còn yếu….
Để giải bài toán liên kết, điều phối vùng hiệu quả, theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: thời gian tới 7 tỉnh phải ngồi lại với nhau để đàm phán, phân công cụ thể. Vùng nào làm tốt việc gì thì phải ưu tiên làm việc đó. Chất lượng thể chế phải đi đầu, hiện đại, có tính dẫn dắt vượt trội hơn các vùng khác. Cần khẩn trương lập quy hoạch vùng kinh tế liên ngành, cho thí điểm một số trung tâm cùng làm quy hoạch song song.
Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vùng kinh tế nào cũng cần có một trung tâm đầu tầu. Chúng ta cần phải có một quy hoạch riêng cho Hà Nội, không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng Bắc Bộ mà phải là trung tâm kinh tế của cả nước.
Theo ông Mại, nên tập trung sâu hơn vào những vấn đề của vùng như đầu tư liên vùng, du lịch liên vùng, môi trường liên vùng…, chứ không nên tập trung vào vấn đề của từng địa phương. Có một nhược điểm rất lớn về đầu tư, đó là hiện tại vẫn chưa tìm thấy vóc dáng của vùng trong KCN.
Địa phương nào cũng có khu công nghiệp nhưng khu công nghiệp nào cũng "na ná" như nhau. Cần phải có khu công nghiệp chuyên biệt để phát triển tại các địa phương như dệt may, công nghệ thông tin… vừa đảm bảo tiếp cận được chuỗi cung ứng toàn cầu vừa đảm bảo việc phân công hiệu quả giữa các địa phương trong vùng, ông Mại nói.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc tập đoàn FLC: hiện nay từ quy trình thực hiện đến quy trình phối hợp, mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau, ngay cả trong cùng địa phương cũng có nhiều cách hiểu không nhất quán nên dẫn đến thực trạng nhiều địa phương phải xếp hàng lên Bộ xin ý kiến.
Có doanh nghiệp phải mất đến 3 tháng mới lấy được văn bản của Bộ. Thậm chí có những doanh nghiệp phải đợi đến 1 năm mới lấy được văn bản hướng dẫn, cho ý kiến của liên Bộ. Khi địa phương có vướng mắc, cần xin ý kiến các bộ ngành thì các Bộ, ngành nên ra văn bản nhất quán cho các địa phương khác có thể sử dụng khi gặp những trường hợp tương tự. Với những vấn đề cần ý kiến liên Bộ, các bộ nên có sự phối hợp để cùng ra văn bản tránh trường hợp doanh nghiệp phải lấy đi lấy lại, mỗi bộ, ngành văn bản, bà Dung nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhiệm vụ cấp bách
09:20, 25/06/2019
Liên kết thời vụ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ “giảm tốc”
10:29, 25/06/2019
Tốc độ tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao nhất cả nước
06:30, 25/06/2019
Chính phủ bàn giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
06:50, 24/06/2019
Tránh cạnh tranh nhỏ lẻ
Theo đề xuất của ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để phối hợp với các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm đạt hiệu quả cao, Chính phủ nên chỉ đạo xây dựng chiến lược xây dựng liên kết kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia, tạo cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đầu tư quản trị dịch vụ công phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển liên vùng hiệu quả.
Phát triển kinh tế tại mỗi địa phương phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, đảm bảo sự phát triển bền vững. Tổ chức các diễn đàn đa phương toàn vùng, thay vì chỉ song phương như hiện nay. Đề nghị phối hợp đồng bộ tổng thể hơn dưới góc độ toàn vùng, trong đó công tác thu hút đầu tư, tránh cạnh tranh nhỏ lẻ gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung.
Thúc đẩy hợp tác liên kết định kỳ đi vào thực chất hơn thay vì chỉ dừng ở các hoạt động hình thức như trao đổi, giao lưu nên có trọng tâm, có kết quả cụ thể về kinh tế, xã hội. Xem xét sử dụng các tổ chức để theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế, xã hội vùng, hoạt động liên kết phối hợp của các địa phương.
Việc đánh giá độc lập việc liên kết vùng của các địa phương giúp nâng cao tính khách quan trong nhìn nhận, đánh giá đồng bộ hóa các góc nhìn hiện còn nhiều khác biệt, tạo tiền đề xây dựng một ngôn ngữ chung, môi trường đầu tư hợp tác liên kết vùng một cách hiệu quả hơn, ông Thắng nói.