Thủ tục hành chính vẫn “đốt” nhiều thời gian của doanh nghiệp
Nói về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp cho rằng tuy đã được cắt giảm, đơn giản hóa đến 61% nhưng thời gian làm thủ tục không giảm, thậm chí còn mất thời gian hơn.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tập đoàn FLC cho biết: “Với kinh nghiệm thực hiện thủ tục đầu tư nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy thủ tục đầu tư từ các vùng Nam Trung Bộ trở vào được thống nhất hơn so với các tỉnh vùng Bắc Bộ, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện của các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cũng đang khá cao so với mặt bằng cả nước".
"Ví dụ như nhóm thủ tục xây dựng tại vùng Bắc Bộ đang cao gấp 2 lần so với các vùng kinh tế trọng điểm cả nước. Cụ thể, riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ tại khu vực phía Bắc, bao gồm cả những chi phí chính thức và không chính thức chiếm đang chiếm 86% tổng chi phí, trong khi trung bình cả nước là 67%, miền Trung là 61%, miền Nam là 22%. Những vấn đề này đang là rào cản đến sự phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ” - bà Dung nói.
Theo tôi, vai trò là động lực, đầu tàu của khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với kinh tế cả nước vẫn chưa được thực hiện xứng tầm. Trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện đang sở hữu nhiều lợi thế lớn về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ… Các địa phương trong vùng đều có trình độ phát triển và có thứ hạng cao. Trong đó thủ đô Hà Nội đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2016 - 2018, của Việt Nam nói chung và vùng kinh tế trọng điểm nói riêng đã cho thấy bước tiến cải cách rõ rệt. Đã tạo ra làn sóng đối thoại, lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp trên khắp cả nước. Trong đó, mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp được nhìn nhận rộng rãi hơn đó là quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Các địa phương cũng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư mạnh mẽ. Tuy nhiên, mong muốn của lãnh đạo và thực tiễn triển khai còn nhiều khoảng cách, bà Dung nhấn mạnh.
Cụ thể, chủ trương cải cách thủ tục hành chính, năm 2018 Chính phủ chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 50% điều kiện kinh doanh và đến tháng 4/2019, các bộ ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa được 61% điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, theo chúng tôi hiểu rằng con số 50% theo chỉ đạo của Chính phủ cần hiểu là không chỉ cắt giảm số lượng điều kiện mà cần cắt giảm thời gian làm thủ tục. Thực tế, nhiều nơi chỉ cắt giảm về số lượng nhưng thời gian vẫn vậy không giảm, thậm chí có nhiều thủ tục còn kéo dài hơn, bà Dung nói.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ bàn giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
06:50, 24/06/2019
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Cần giải bài toán liên kết điều phối
11:30, 25/06/2019
Liên kết thời vụ, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ “giảm tốc”
10:29, 25/06/2019
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhiệm vụ cấp bách
09:20, 25/06/2019
Tốc độ tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao nhất cả nước
06:30, 25/06/2019
Một trong những nguyên nhân quan trọng làm ảnh hưởng đến chủ trương cải cách hành chính là do quy trình từ quy trình thực hiện đến quy trình phối hợp. Liên quan đến quy trình thực hiện, nhiều địa phương còn lúng túng trong việc hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện các quy trình, thủ tục. Đặc biệt, các dự án lớn đang xảy ra tình trạng mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau, thậm chí ngay cả trong một địa phương cũng có cách hiểu không nhất quán.
Đơn cử như vấn đề thực hiện thủ tục đầu tư của dự án trong đó có một phần diện tích đất công. Thì diện tích đất công đó sẽ được thực hiện việc đấu giá hay thực hiện đấu thầu, bà Dung nói.
Quy định trong Luật đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở…hiện đang có nhiều điểm đặt ra, dẫn đến cách vận dụng khác nhau. Hậu quả là nhiều địa phương phải xếp hàng lên các Bộ xin ý kiến mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các địa phương cũng như ảnh hưởng đến chủ trương đầu tư của các doanh nghiệp.
Về giải quyết thủ tục hành chính, bà Dung chia sẻ: khi một địa phương có vướng mắc, xin ý kiến các Bộ, ngành cần chủ động ra văn bản hướng dẫn chung để các địa phương khác khi gặp những trường hợp tương tự có căn cứ để áp dụng.
Thay vì hiện nay, cùng một vấn đề nhưng có rất nhiều địa phương cùng làm văn bản xin ý kiến của bộ mà không dám dùng văn bản Bộ đã cho ý kiến địa phương khác. Mặt khác, nhiều vấn đề cần ý kiến liên Bộ, nhưng không có bộ nào đứng ra chủ trì, các địa phương phải lấy ý kiến từng Bộ. Chưa kể, một vụ việc phải lấy ý kiến đi ý kiến lại từ một Bộ nhiều lần. Với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Ban chỉ đạo cần chủ trì, chủ động tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các địa phương và doanh nghiệp, bà Dung chia sẻ.
“Chương trình phối hợp các cơ quan chuyên môn với nhau, các bộ với bộ, giữa địa phương với bộ còn yếu, dẫn đến việc doanh nghiệp phải đợi vài ba tháng để có được văn bản hướng dẫn của bộ không còn hiếm. Thậm chí không ít trường hợp phải chờ hàng năm mới có ý kiến phản hồi của cơ quan nhà nước. Quy trình nội bộ này phải thực sự được cắt giảm thì mới giải quyết được nút thắt cải cách hành chính hiện nay” - bà Dung cho biết.