Doanh nghiệp "lao đao" vì xe hợp đồng trá hình

Cẩm Anh 09/07/2019 15:40

Cho đến nay, việc xử lý xe dù, xe chạy tuyến cố định biến tướng thành xe hợp đồng tại Hà Nội vẫn còn khó khăn, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tình trạng xe dù, xe

Tình trạng xe dù, xe hợp đồng dừng đỗ đón trả khách không đúng quy định tại Hà Nội vẫn còn nhiều bức xúc

Cụ thể, tại phiên chất vấn trong kỳ họp lần thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Minh Đức, tổ Thanh Xuân cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra tình trạng xe khách tuyến cố định hoạt động sai hành trình, dừng đón trả khách không đúng quy định; xe hợp đồng dừng đỗ đón trả khách như các xe tuyến cố định vẫn ngang nhiên hoạt động gây ùn tắc giao thông.

Đặc biệt ông Đức cho biết, tình trạng xe dù, bến cóc vẫn tiếp diễn phức tạp. Theo đó, trách nhiệm của lực lượng Công an trong việc xử lý các vi phạm cũng như các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết dứt điểm tình trạng này?

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội: Cần "trải thảm đỏ" hơn nữa cho các DNNVV, FDI

    16:35, 08/07/2019

  • Tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh: Xe dù nhiều hơn xe tuyến cố định

    04:30, 09/07/2019

  • Vì sao Bộ GTVT không đồng ý để Hà Nội "xé rào" trông xe dưới gầm cầu vượt?

    11:00, 18/03/2019

  • Nên thu gom “xe dù” vào HTX

    07:00, 03/12/2018

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty CP xe khách Hà Nội chia sẻ, nhiều doanh nghiệp tuyến cố định đang phải lao đao, thậm chí phải đóng tuyến vì không hoạt động được do “xe dù", bến cóc, các loại hình xe hợp đồng trá hình hoạt động ngày càng rầm rộ. Trong khi chờ chuẩn hoá về quy định vận tải, các doanh nghiệp đều chờ chính quyền thành phố có biện pháp quyết liệt hơn để dẹp “xe dù, bến cóc”, xe Limousine, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.

Thực tế, theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hoạt động vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định trên địa bàn Hà Nội thời gian qua có dấu hiệu sụt giảm, nhiều nhà xe bỏ bến, hoạt động không đạt 70% số chuyến xe theo biểu đồ đã được phê duyệt.

Sở dĩ có tình trạng này, nguyên nhân một phần là do việc bất chấp quy định cấm, mỗi ngày Hà Nội vẫn có hàng trăm lượt xe khách đường dài vô tư dừng đỗ, đón trả khách ở các tuyến phố của quận Cầu Giấy như một bến xe chuyên nghiệp bên cạnh bến xe Mỹ Đình.

Thực trạng này không chỉ khiến cho giao thông nội đô trở nên phức tạp hơn mà còn gây khó khăn cho việc kiểm soát vận tải hành khách, an toàn giao thông. Đồng thời, khiến không ít doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh đã bỏ bến nhưng không bị cắt “nốt” bởi "xe dù", xe hợp đồng trá hình Limousine hoạt động ngày càng mạnh.

Nhận định về vấn đề này, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, tình trạng xe dù bến cóc đã diễn ra nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, vấn đề nhức nối trong khâu đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các lực lượng chức năng đã phối hợp Thanh tra giao thông, các lực lượng an ninh cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị, chủ phương tiện không có các hành vi bắt khách dọc đường, chạy sai làn đường.

Tuy nhiên, nếu làm mạnh, ráo riết thì các trường hợp này biến tấu thành xe hợp đồng đón khách tại nhà, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phát hiện, xử lý. Trước mắt, ông Khương cho biết đã tăng cường tuyên truyền, dán các pano, áp phích trên xe, tuyên truyền chung... tại các bến xe.

Chỉ riêng gần 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt trên 3.300 trường hợp xe khách vi phạm; phạt tiền trên 4 tỷ đồng, tạm giữ 66 xe vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 493 trường hợp và tước phù hiệu 68 phương tiện. Trong tổng số xe khách bị xử lý nói trên có 994 xe hợp đồng.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra xử lý đang gặp nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, lực lượng mỏng trong khi các phương tiện xe hợp đồng, đặc biệt là loại hình xe Limousine áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, dừng đỗ đón khách ở các khu vực không bị cấm, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý loại hình này còn nhiều bất cập nên lực lượng chức năng cũng khó có cơ sở để xử lý.

Cẩm Anh