Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ VIII): Doanh nghiệp “chưa thực sự đồng tình”
Lần đầu tiên sau 6 năm thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên đã chốt lương tối thiểu vùng ở phiên đàm phán thứ 2, doanh nghiệp lo lắng đối mặt với áp lực chi phí tăng cao.
Áp lực chi phí lớn lên doanh nghiệp
Trao đổi với DĐDN ngay sau phiên đàm phán, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết “chưa thực sự đồng tình” với kết quả này, bởi các phân tích liên quan khả năng chi trả, nguồn lực và “sức khoẻ” doanh nghiệp cho thấy các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều sức ép.
“Tuy nhiên, với tinh thần thiện chí để hài hòa lợi ích giữa các bên, chúng tôi đồng ý với mức tăng 5,5%. Hội đồng tiền lương cũng hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, có trên 85% đồng ý với mức 5,5%”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Đặc biệt, với mức tăng này Phó Chủ tịch VCCI đánh giá sẽ gây tác động tăng chi phí lớn cho doanh nghiệp, bởi cứ 1% lương tối thiểu tăng thì chi phí lao động của doanh nghiệp cũng tăng lên 10%.
Mức tăng lương tối thiểu vùng 2020 chốt tăng 5,5%, theo đó, vùng 1 là 4,42 triệu đồng, tăng 240.000 đồng so với năm 2019; vùng 2 là 3,92 triệu đồng, tăng 210.000 đồng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng, tăng 180.000 đồng, vùng 4 là 3,07 triệu đồng, tăng 150.000 đồng.
Cùng với đó, hiện chi phí của doanh nghiệp cho các khoản đóng góp như BHXH, phí công đoàn, chi phí khác đã ở mức cao, lên tới 35%. Như vậy, tăng 5,5% lương tối thiểu thì chi phí của doanh nghiệp sẽ bị “đội” lên rất lớn. “Chúng tôi cũng rất mong người lao động chia sẻ với doanh nghiệp để đôi bên cùng phát triển", ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chia sẻ: “Trong vòng đàm phán thứ 2, các bên đã thật sự hiểu nhau, chia sẻ và có trách nhiệm chung, nhận thức về tiền lương tối thiểu. Các bên đều quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động như Nghị quyết 27 đã đề ra”.
Cần cơ quan độc lập xác định mức sống tối thiểu
Trước đó, kết thúc phiên đàm phán thứ nhất diễn ra trong tháng 6, các bên đã đưa ra 6 phương án lương tối thiểu vùng mà không đạt được sự đồng thuận vì khoảng cách quá lớn. Đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra 2 phương án, không tăng và tăng từ 1-2%. Trong khi đó Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 3 phương án với mức tăng 4-8%.
Có thể bạn quan tâm
Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ VII): Chốt mức tăng 5,5%
17:18, 11/07/2019
Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ VI): Doanh nghiệp kiến nghị mức tăng 3,5 - 4%
15:28, 11/07/2019
Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ V): Có thể “chốt” phương án điều chỉnh trong phiên thứ hai?
11:59, 11/07/2019
Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ IV): Chênh lệch lớn trong đề xuất của các bên
12:09, 14/06/2019
Lương tối thiểu vùng 2020 (Kỳ III): Cần loại bỏ hàng xa xỉ phẩm ra khỏi "giỏ hàng hoá"
07:10, 03/06/2019
Lương tối thiểu vùng 2020 (kỳ II): Doanh nghiệp kiến nghị giãn lộ trình tới sau năm 2020
10:35, 31/05/2019
Lương tối thiểu vùng 2020 (kỳ I): Lương tối thiểu đang "khoác" quá nhiều vai
17:14, 30/05/2019
Cùng với đó, theo phân tích của các chuyên gia, cách tính lương tối thiểu vùng đang được lấy căn cứ mục tiêu là mức sống tối thiểu. Nhưng cách tính mức sống tối thiểu hiện chưa được thống nhất.
"Nhiều mặt hàng xa xỉ phẩm như xì gà lại có mặt trong giỏ hàng hoá làm căn cứ tính lương tối thiểu là chưa hợp lý, cần xem xét lại giỏ hàng hoá cũng như phương pháp tính mức sống tối thiểu", vị chuyên gia chia sẻ.
Do đó, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng kiến nghị: "Rất cần một cơ quan khoa học độc lập công bố về mức sống tối thiểu một cách khách quan tại Việt Nam hiện nay. Nếu làm được như vậy sẽ có cơ sở để xem xét thấu đáo hơn, đưa ra mức điều chỉnh thuyết phục công luận hơn”,
Do đó, các chuyên gia đều đánh giá, doanh nghiệp sẽ phải phấn đấu, đổi mới và có chính sách đào tạo nâng tao tay nghề của người lao động tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá, mức lương tối thiểu hiện nay đã đáp ứng hơn 95% mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, với mức tăng 5,5% thì tiền lương chắc chắn sẽ đáp ứng được cơ bản mức sống tối thiểu.
"Sau năm 2020, tùy vào các chỉ số và mức sống của người lao động thì Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn sẽ họp tiếp để điều chỉnh", ông Diệp nói.
Trong 3 năm gần đây, lương tối thiểu đều tăng. Cụ thể, năm 2017 tăng bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%; năm 2019 tăng bình quân 5,3%. Và năm 2020 mức tăng vừa được thống nhất là 5,5%.