Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nhiều "điểm nghẽn" chưa có giải pháp căn cơ tháo gỡ
Dù còn nhiều trở ngại trong hoàn thiện pháp luật và nhiệm vụ thu chi ngân sách, Bộ Tài chính phải chủ động tháo gỡ. Không để cho địa phương nào thu giảm và tổng thu ngân sách phải tăng 5%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu trước toàn ngành tài chính sáng 12/7, khi tham dự Hội nghị trực tuyến của ngành tài chính, sơ kết việc triển khai nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2019.
Phó Thủ tướng đánh giá, qua nửa chặng đường kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước của năm 2019, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp nhưng Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
Kinh tế vĩ mô 6 tháng được giữ ổn định
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tới vai trò của ngành Tài chính khi có nhiều chương trình, kế hoạch hành động bám sát các Nghị quyết số 01, 02/NQ-CP của Chính phủ để khơi thông các động lực tăng trưởng kinh tế, giúp kết quả điều hành chính sách tài khoá đạt nhiều kết quả khá toàn diện. Tổng thu ngân sách đạt 745.400 tỷ đồng, bằng 52,8% dự toán, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Thu NSNN đều tăng ở thu nội địa, dầu thô, cân đối xuất nhập khẩu hàng hoá, tăng thu NSNN ở cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, thu ngân sách trung ương đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây (51,5% dự toán).
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nhiều "điểm nghẽn" chưa có giải pháp căn cơ tháo gỡ
20:26, 12/07/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo sớm trái phiếu doanh nghiệp
15:11, 09/07/2019
Phó Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế
19:17, 02/07/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thị sát cháy rừng tại Hà Tĩnh
06:30, 01/07/2019
Đối với chi NSNN, Phó Thủ tướng đánh giá ngành Tài chính thực hiện chặt chẽ, đúng dự toán. Chi NSNN trong 6 tháng đạt 666.100 tỷ đồng, bằng 40,8% dự toán, tăng 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Triển khai Kế hoạch hành động và Chương trình quản lý nợ công trung hạn 2019- 2021, ngành Tài chính đã tích cực, chủ động cơ cấu lại nợ công đưa tỷ lệ này còn 58,4% vào cuối năm 2018, thay đổi cơ cấu vay nợ trong nước (60%), thời gian vay nợ dài hơn, lãi suất thấp hơn giai đoạn trước, siết chặt các khoản vay bảo lãnh Chính phủ và nhất là đưa tỷ lệ trả nợ trong tổng thu ngân sách chỉ còn 15- 18% thay vì hơn 27% so với cuối năm 2018.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện cấu trúc lại thị trường chứng khoán, nghiên cứu phát triển các sản phẩm phái sinh mới, áp dụng các giải pháp phát triển thị trường, đa dạng hóa các nhà đầu tư, thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đến cuối tháng 6/2019, quy mô thị trường chứng khoán tăng 6,4% so với cuối năm 2018 và đạt tỷ lệ khoảng 79% GDP.
Còn thị trường bảo hiểm, lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 23%, tổng giá trị tài sản của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tăng 20,4%, vốn đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 22,5% so cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá Bộ Tài chính- cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ nhiều năm liền làm tốt chức năng điều phối, kiểm soát lạm phát; chính sách tài khoá phối hợp khá hài hoà, chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đạt được nhiều thành công trong tin gọn bộ máy, biên chế, tiết giảm chi phí nhưng hiệu lực, hiệu quả cao hơn...
Tuy nhiên, thu NSNN gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm khi thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI, ngoài quốc doanh có xu hướng thấp hơn. Một số địa phương đóng vai trò trọng điểm về thu ngân sách vừa qua đạt thấp như TP HCM, Đồng Nai...Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ODA chậm, mới đạt 32,4% dự toán, thấp hơn cùng kỳ năm 2018, là một điểm nghẽn đối với tăng trưởng kinh tế mà chưa có giải pháp căn cơ để tháo gỡ.
Cổ phần hoá còn chậm vì vướng mắc thể chế và tổ chức thực hiện và cách hiểu khác nhau về các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP167, và vướng nhất là sắp xếp nhà đất và xử lý tồn đọng về tài chính của doanh nghiệp nhà nước. Đây là trách nhiệm chính của Bộ Tài chính, nên Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cần nhanh chóng hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Bộ cần nhanh chóng bãi bỏ hoặc bổ sung các văn bản hướng dẫn còn chưa rõ ràng, đang gây khó cho doanh nghiệp như văn bản hướng dẫn cấp C/O xăng dầu, văn bản khống chế lãi vay của các doanh nghiệp liên kết và sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư.
Tinh thần thu ngân sách vừa chặt chẽ nhưng thông thoáng
Phó Thủ tướng đề nghị, tinh thần thu ngân sách chặt chẽ nhưng thông thoáng nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, không đơn giản chỉ là việc thu thuế. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các giải pháp hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh vào cuối năm 2019; phát triển thu thuế điện tử theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và ODA, bảo đảm bội chi NSNN trong giới hạn Quốc hội cho phép, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước; hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán tài sản công cho các nhà đầu tư; tăng cường ổn định giá cả, dự báo cung- cầu theo mục tiêu điều hành lạm phát từ 3,3 - 3,9%.
Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm soát hàng hoá tạm nhập tái xuất khi hoạt động này đang có dấu hiệu tăng lên trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường khác. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phân tích tiến độ thu ngân sách đang chậm lại từ tháng 5/2019 ở 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, FDI và ngoài quốc doanh để tìm giải pháp tăng thu trong thời gian tới.
Về giải ngân vốn ODA, từ Hội nghị chuyên đề với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án, 5 nhà tài trợ, Bộ Tài chính đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đề nghị sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các bộ, ngành và sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để triển khai tốt hơn.
Với Nghị định thành toán tài sản công cho nhà đầu tư, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng là vấn đề lớn, khó, nhạy cảm, dễ xảy ra tư lợi. Bộ Tài chính đã trên 10 lần báo cáo giải trình các cấp và đến nay đã hoàn thành bước cuối cùng để sớm ban hành theo yêu cầu của Chính phủ.