Bị tạm hoãn xuất cảnh cần chiếu theo luật tố tụng hình sự, dân sự

Nguyễn Việt 15/07/2019 13:19

Đã có nhiều ý kiến đóng góp về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh tại phiên họp lần thứ 35 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/7.

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) cho biết: "Đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, là nội dung quan trọng của dự thảo Luật".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/7.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/7.

Không làm ảnh hưởng đến quyền công dân

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Uỷ ban QP-AN đã tiến hành rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan và đề nghị thiết kế lại điều luật này cho rõ ràng hơn, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn cho sát hợp với thực tiễn; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân…

Có thể bạn quan tâm

  • Xem xét, cho ý kiến 4 dự án luật tại phiên họp thứ 35 

    08:32, 15/07/2019

  • Cần rà soát kỹ Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 

    12:19, 15/07/2019

  • Đề xuất thu phí xuất cảnh thiếu tính thuyết phục

    03:14, 13/06/2019

  • Vì sao xuất cảnh phải đóng “phí chia tay”?

    15:45, 12/06/2019

  • Cấm đảng viên xuất cảnh: Quy định nghiêm khắc nhưng cần thiết của Đảng

    05:35, 30/05/2018

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Thường trực UB QP-AN đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.

Đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đóng, công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt, đề nghị không nên tạm hoãn xuất cảnh, vì đối tượng quá rộng. Ngoài ra, trường hợp vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, nghĩa vụ quân sự đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.

Góp ý vào dự thảo luật, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh: "Dự luật có nhiều điều liên quan đến quyền công dân, quyền con người nên phải rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống luật cũng như tính khả thi. Trong đó, nội dung liên quan các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh cần chiếu theo luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự.

Về bổ sung quy định “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, theo bà Lê Thị Nga, cách đặt vấn đề là đúng nhưng nội dung còn chung chung. Bởi khi nào là “đặc biệt nghiêm trọng” hay “xét thấy cần ngăn chặn”? “ Do đó, tôi đề nghị rà soát hết quy định liên quan để tránh ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân; tránh tuỳ tiện lạm dụng trong thực tế”, bà Nga nêu ý kiến.

Bổ sung trường hợp hoãn xuất cảnh

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bày tỏ băn khoăn về trường hợp “chưa cấp giấy xuất cảnh” vì chưa rõ đối tượng cũng như thẩm quyền quyết định. “Đối tượng nào chưa được cấp giấy tờ xuất cảnh thì phải chỉ rõ. Luật cũng chưa cụ thể thẩm quyền ai sẽ quyết định việc chưa cấp vì theo dự thảo luật phạm vi rất rộng, từ hành chính, dân sự đến hình sự”, ông Nguyễn Khắc Định nói.

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, khi một người xuất cảnh ra nước ngoài rồi mới phát hiện vi phạm thì sẽ giải quyết ra sao, vì căn cứ quy định khi có vi phạm sẽ không được cấp giấy tờ nhập cảnh, trong khi quyền hồi hương được quy định rất rõ. Ngoài ra, thời hiệu của quyết định chưa cấp giấy tờ xuất cảnh cũng cần cụ thể để đảm bảo quyền của công dân.

Ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị bổ sung trường hợp hoãn xuất cảnh để phù hợp với luật quản lý thuế Quốc hội vừa thông qua, trong đó có trường hợp người nộp thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Giải trình các vấn đề mà đại biểu quan tâm,Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương đồng tình với các ý kiến đã nêu về tạm hoãn xuất nhập cảnh (trong các điều 21, 22, 36, 37, 38) và cho rằng, các diện đối tượng quá rộng, sẽ khó cho các cơ quan thực hiện. Ví dụ, có trường hợp nằm trong diện tạm hoãn nhưng lại đang mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư), cần khẩn trương ra nước ngoài chữa trị thì giải quyết thế nào? “Việc quyết định tạm hoãn là rất khó khăn, vì đụng chạm đến quyền con người, quyền công dân nên tôi đồng tình với các ý kiến cho rằng cần rà soát kỹ lưỡng phạm vi đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, bảo đảm chặt chẽ”, ông Vương nói.

Nguyễn Việt