Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Nên tránh tình trạng luật khung, luật ống"
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh nhiều biến động, nên tránh tình trạng luật khung, luật ống, đồng thời có không gian cần thiết để thay đổi kịp thời, không phải quá cứng nhắc.
Theo đó, những dự án luật được Chính phủ thảo luận gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Dự án Luật thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp; Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Báo cáo về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cuộc sống thay đổi rất nhanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Do đó, nên tránh tình trạng luật khung, luật ống, đồng thời có không gian cần thiết để thay đổi kịp thời trước tình hình thế giới, không phải quá cứng nhắc.
Thực tế ghi nhận, thời gian qua, chất lượng công tác xây dựng, thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, gần đây, trước thực tiễn không ít văn bản, đề xuất chính sách gây tranh cãi, ngoài các chỉ đạo cụ thể, lãnh đạo Chính phủ đã liên tiếp nhắc nhở các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về công tác này.
Người đứng đầu Chính phủ đã không ít lần nhắc tới hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin-cho, vì thế có dự thảo nghị định phải trả đi, trả lại nhiều lần.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng nhắc đến tình trạng có văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, thậm chí văn bản được ban hành có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng. Thủ tục hành chính còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, chi phí không chính thức..., thủ tục trói buộc hơn, không quản được thì trói, không quản được thì buộc.
Do đó, Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Cùng với đó, các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, cho ý kiến với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm
TS Vũ Tiến Lộc: Rà soát sự chồng chéo của các văn bản luật để hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi”
11:10, 05/08/2019
Xử lý dứt điểm việc ban hành văn bản trái pháp luật
18:35, 01/08/2019
Thủ tướng phân công cơ quan soạn thảo văn bản thi hành 7 luật
16:26, 29/07/2019
Gian nan thực hiện Luật Quy hoạch
14:23, 18/07/2019
Nhiều vướng mắc trong triển khai Luật Quy hoạch
10:06, 18/07/2019
"Chồng chéo" Luật Quy hoạch
12:35, 15/07/2019
Mới đây nhất, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 1/8, Thủ tướng đã yêu cầu, các bộ, cơ quan cần đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của các văn bản pháp luật và các cơ chế chính sách. Thủ tướng cho biết, các chuyên gia, nhà khoa học đã có khuyến nghị và ông đã chuyển cho Văn phòng Chính phủ để sớm phối hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ liên quan đề xuất với Thủ tướng.
Cùng với đó, cần rà soát lại các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con còn núp bóng đâu đó gây cản trở. Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 20 của Thủ tướng về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Các Bộ trưởng cần chủ động quyết liệt việc này.
Xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, công nghệ tài chính (Fintech), thanh toán điện tử, mô hình kinh doanh mới.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 9 dự án luật để trình Quốc hội cho ý kiến, 01 đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội xem xét, thông qua 07 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật.
Chính phủ đã ban hành 57 Nghị định, 23 Quyết định quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực theo thẩm quyền, 57 Nghị quyết, 18 Chỉ thị, 2.589 văn bản điều hành khác để chỉ đạo, giải quyết các vấn đề cụ thể.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhất là việc chuẩn bị các dự án luật theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019 vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn trình; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để. Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc khắc phục hậu quả của việc ban hành văn bản trái pháp luật chưa được các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm đúng mức; chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý đời sống xã hội chưa đồng bộ, còn chồng chéo, vướng mắc, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thi hành.