Tập trung cải thiện năng suất lĩnh vực nào để tăng năng suất lao động quốc gia?

Thy Hằng thực hiện 07/08/2019 16:36

Một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… có lợi thế và tiềm năng sẽ được thực hiện thí điểm tăng năng suất, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Trao đổi với DĐDN, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Để tăng năng suất lao động quốc gia, đề xuất cần có Uỷ ban Năng suất Quốc gia.

-Uỷ ban Năng suất Quốc gia sẽ hoạt động theo cơ chế nào, thưa ông?

Cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.

Do đó, doanh nghiệp cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia, thường xuyên chỉ đạo vấn đề năng suất. Uỷ ban này sẽ có đội ngũ chuyên trách dưới sự lãnh đạo của lãnh đạo Chính phủ cấp cao chỉ đạo phối hợp tất cả các ban ngành địa phương. Trước hết xây dựng Chương trình năng suất lao động quốc gia, trong đó nghiên cứu kỹ ngành nào, lĩnh vực nào sẽ là trọng tâm thúc đẩy tăng năng suất. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã thực hiện việc thành lập Uỷ ban này. 

-Vậy chúng ta sẽ tập trung nâng cao năng suất vào những lĩnh vực, khu vực nào? Năng suất lao động của Việt Nam sẽ có đột phá ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Theo tôi, cần chọn một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử… và một số địa phương có lợi thế và tiềm năng thực hiện thí điểm tăng năng suất, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Trong tương lai gần, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn sang thành thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang chính thức vẫn tiếp tục diễn ra, góp phần cải thiện mức tăng năng suất lao động chung. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, thu nhập ở khu vực nông thôn gia tăng, cơ cấu kinh tế ổn định sẽ làm giảm đáng kể dư địa cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

Do đó, để thu hẹp về năng suất lao động so với các nước, Việt Nam cần phải nâng cao năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp, tức là tăng năng suất nội ngành, thay vì tăng năng suất qua chuyển dịch cơ cấu lao động. Nâng cao năng suất lao động nội ngành là xu hướng mới và phổ biến ở các nền kinh tế tiên tiến, vì tăng năng suất nội ngành đóng vai trò chủ đạo trong việc tăng năng suất của nền kinh tế. 

-Nhưng làm sao để tăng năng suất nội ngành trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thưa ông?

Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, máy móc, dây chuyền, thiết bị, công nghệ lạc hậu và trình độ quản lý, tổ chức sản xuất thấp,…thực sự thách thức trong phát triển kinh tế nói chung, cũng như tăng năng suất lao động nói riêng.

Tôi cho rằng, muốn tăng năng suất lao động để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì kinh tế tăng trưởng phụ thuộc vào thâm dụng lao động, vốn, tài nguyên, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn.

Đi kèm với các chính sách trên, Việt Nam phải tiếp tục ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đặc biệt, cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, tạo môi trường chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động với các sản phẩm mới, công nghệ cao.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng năng suất lao động, tăng tốc tới tương lai

    Tăng năng suất lao động, tăng tốc tới tương lai

    11:48, 07/08/2019

  • Doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của tăng năng suất lao động quốc gia

    Doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của tăng năng suất lao động quốc gia

    09:30, 07/08/2019

  • TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI:

    TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: "Tăng năng suất lao động nên bắt đầu từ nội tại các ngành, các doanh nghiệp"

    08:00, 07/08/2019

  • Tăng năng suất lao động: “Chìa khoá” cho tăng trưởng và tránh nguy cơ tụt hậu

    Tăng năng suất lao động: “Chìa khoá” cho tăng trưởng và tránh nguy cơ tụt hậu

    05:09, 07/08/2019

-Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất là điều doanh nghiệp nào cũng biết, nhưng không dễ thực hiện. Giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sẽ là gì, thưa ông?

Doanh nghiệp của Việt Nam có tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn, điều này đồng nghĩa năng lực về vốn, tài chính còn hạn chế. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như tín dụng cho vay, đặc biệt các chính sách về thuế, các doanh nghiệp sử dụng khoa học công nghệ sẽ được miễn thuế… Các chính sách kinh tế thường có tính hữu hiệu trong khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ. Dùng chính sách về kinh tế để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo.

- Theo ông, thông tin giảm lãi suất của vay của một loạt các ngân hàng tới đây có tạo kỳ vọng cho đổi mới, sáng tạo như ông nói ở trên không?

Trước hết, việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Đây là giải pháp kinh tế chính sách tài chính tiền tệ rất thông thường của các nước trong khu vực nhưng ở Việt Nam cần rà soát xem tính khả thi, hiệu quả và cần thiết.

Nhưng trước mắt, tôi tin rằng việc một loạt các ngân hàng cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay là chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp trong bối cảnh đang khó khăn về nguồn vốn.

- Xin cảm ơn ông!

Thy Hằng thực hiện