Đột phá giáo dục tạo kỳ tích kinh tế

Anh Duy 09/08/2019 11:00

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phải tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa để giáo dục và đào tạo đóng góp vào sự phát triển bền vững, đột phá của đất nước.

Chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 - 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Muốn chuyển biến đất nước, phát triển các ngành và địa phương một cách bền vững thì giáo dục đào tạo mang yếu tố là quốc sách hàng đầu”.

br class=

Cần có chính sách phù hợp để doanh nghiệp và nhà trường phối hợp linh hoạt trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra. (Doanh nghiệp tham gia đào sửa chữa điện thoại cho sinh viên tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Mai Đan)

Đào tạo “lệch pha”

Không thể phủ nhận, trong xu thế toàn cầu bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh, nguồn nhân lực chính là nguồn lực quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, nguyên nhân chính được nhắc tới nằm ở chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo có nhiều bất cập

Nhiều đánh giá cho thấy chất lượng nguồn nhân lực vẫn “lệch pha” yêu cầu của thị trường. Doanh nghiệp vẫn “phàn nàn” về chất lượng nhân lực sau đào tạo không đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất. Nói như chuyên gia thị trường lao động Trần Anh Tuấn, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, còn lệch pha cung cầu về số lượng và chất lượng, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Chính vì thế, nghịch lý là, đang rất thừa lao động trình độ thấp nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu thanh tra, xử lý các trường đại học “hữu danh vô thực”

    15:43, 06/08/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Lỗi hệ thống và vĩ mô giáo dục

    02:05, 09/08/2019

  • Đầu tư giáo dục sẽ hấp dẫn trong thời gian tới?

    00:00, 16/07/2019

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Thành phố Giáo dục Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam

    06:00, 03/07/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Giáo dục đạo đức: Cần trách nhiệm chung của “kiềng ba chân”!

    05:14, 29/07/2019

Tự chủ giáo dục, tạo đột phá

Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn.

“Các trường, nhất là các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải làm gì để mở các ngành mới này. Các trường, các ngành kém chất lượng phải thực hiện kiểm định và có kế hoạch nâng cao chất lượng thế nào”. Hệ thống giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT phải trả lời, xử lý, giải quyết một cách đồng bộ, chứ không để “thiếu trước hụt sau, chắp vá”.

Thậm chí, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT kiểm tra xử lý nghiêm các trường đại học “hữu danh vô thực”. “Tôi yêu cầu các đồng chí trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục đại học kém chất lượng kéo dài. Tôi cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tinh thần tự chủ, tự trang trải kinh phí của các cấp học, từ đại học đến mầm non.

Là một trong những trường đại học được thí điểm tự chủ toàn phần, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, quan trọng nhất là các trường phải đổi mới tư duy để chủ động tiếp cận thị trường. “Cùng với đó là sự hỗ trợ của nhà nước về dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đầu tư có trọng tâm trọng điểm đối với những ngành nghề xã hội cần. Có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ bắt tay với cơ sở đào tạo…”, PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, GS.TS Gebhard Hafer - Hiệu trưởng Trường BBW University of Applied Science (Đức) cho biết: “Ở Đức hiện có hơn 60% học sinh tốt nghiệp phổ thông đi vào học nghề. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, các cơ sở giáo dục phải thường xuyên cập nhật những yêu cầu về năng lực mà doanh nghiệp đòi hỏi”.

GS.TS Gebhard Hafer cho rằng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn liền giữa doanh nghiệp và nhà trường. Vì vậy, cần có một cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp và nhà trường phối hợp với nhau một cách linh hoạt trong các quy trình về xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra…

Theo nhiều chuyên gia, bản chất của tự chủ đại học phải là chính sách "cởi trói" về mặt cơ chế mới giúp các trường nâng cao chất lượng, xóa bỏ được các rào cản quan liêu, bao cấp trì trệ. "Vì lẽ đó, mỗi trường cần xây dựng kế hoạch, lộ trình tự chủ cũng như phải mạnh dạn hội nhập, tham gia xếp hạng. Bởi, nếu trường có chất lượng, tạo công ăn việc làm tốt và có thứ hạng cao thì chắc chắn việc tuyển sinh sẽ thuận lợi", Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đình Đức khẳng định.

Anh Duy