Đột phá năng suất lao động từ doanh nghiệp
Một lần nữa bài toán cải thiện năng suất lao động cần có giải pháp nước rút và toàn diện hơn.
Dẫn lời của GS. Michael Porter - cha đẻ của lý thuyết năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu đầy đủ rằng năng suất sử dụng các nguồn lực bao gồm vốn, lao động, đất đai và các tài nguyên khác, trong đó đặc biệt là năng suất của lao động đóng vai trò trung tâm, vì đây là thước đo chính xác nhất và có ý nghĩa nhất cho năng lực cạnh tranh, mặc khác đây là nhân tố quyết định sự thịnh vượng của các quốc gia”.
Năng suất lao động giảm
Trên thực tế, yếu tố có vai trò trung tâm là năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam lại chưa “bằng chị, bằng em”. Thống kê về NSLĐ của Việt Nam tính theo sức mua tương đương (PPP 2011) đang rất thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, NSLĐ theo PPP 2011 của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore, 19% của Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philippines.
Cùng với đó, yếu tố NSLĐ của khu vực doanh nghiệp, mà đặc biệt là NSLĐ trong doanh nghiệp ngoài nhà nước (tư nhân) hiện đang đạt thấp nhất. Khoảng cách về NSLĐ của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng đang ngày càng nới rộng.
Cạnh tranh là giải pháp cốt lõi để thúc đẩy sáng tạo, nâng cao NSLĐ của doanh nghiệp.
Theo Báo cáo Việt Nam 2035, NSLĐ đang giảm trong các ngành khai khoáng, tiện ích công cộng, xây dựng, và tài chính, những ngành mà doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, và nhận nhiều ưu đãi.
Trong khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đáng ngại hơn, dù số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng, nhưng năng suất lại giảm. Nói như Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Doanh nghiệp tư nhân ngày càng bị chèn lấn, khó tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên... Do đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân càng ngày càng thu hẹp quy mô, không dám đầu tư lớn để tăng năng suất, đáng lẽ đây phải là khu vực có năng suất lao động cao hơn”.
Có thể bạn quan tâm
Tập trung cải thiện năng suất lĩnh vực nào để tăng năng suất lao động quốc gia?
16:36, 07/08/2019
Tăng năng suất lao động, tăng tốc tới tương lai
11:48, 07/08/2019
Doanh nghiệp là đối tượng trung tâm của tăng năng suất lao động quốc gia
09:30, 07/08/2019
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI: "Tăng năng suất lao động nên bắt đầu từ nội tại các ngành, các doanh nghiệp"
08:00, 07/08/2019
Tăng năng suất lao động: “Chìa khoá” cho tăng trưởng và tránh nguy cơ tụt hậu
05:09, 07/08/2019
Vì sao năng suất lao động Việt Nam chưa 'bằng chị, bằng em'?
10:24, 06/08/2019
“Không tăng được năng suất lao động chúng ta sẽ tụt hậu”
16:16, 31/05/2019
[Giải bài toán năng suất lao động] Bài 3: Kinh tế tư nhân
06:30, 06/05/2019
Thủ tướng Chính phủ: Phát triển đất nước phải dựa vào năng suất lao động
10:16, 05/05/2019
Thúc đẩy cạnh tranh
Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dư địa cho tăng năng suất dựa trên sự dịch chuyển lao động sẽ không còn nhiều. Vì thế, để tiếp tục thúc đẩy việc tăng năng suất, cần phải cải thiện năng suất nội tại của các ngành, của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân.
Không những vậy, Chủ tịch VCCI còn đề nghị, không chỉ với doanh nghiệp tư nhân, cần đặc biệt lưu ý tới tăng NSLĐ khu vực hộ kinh doanh. Bởi hiện doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, trong đó khu vực 5,1 triệu hộ kinh doanh chiếm tới 30% GDP với 9 triệu lao động đang hoạt động. “Luật doanh nghiệp mới đã đưa các hộ kinh doanh có đăng ký trở thành một loại hình doanh nghiệp với khoảng 1,6 triệu hộ. Nếu tiếp tục đưa toàn bộ khu vực hộ kinh doanh vào luật để minh bạch, nâng đỡ họ thì đó là biện pháp nâng cao năng suất khu vực này cũng là nâng cao năng suất nền kinh tế. Muốn vậy phải cải thiện quản trị và đổi mới công nghệ cho khu vực này”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Do đó, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, muốn cải thiện NSLĐ quốc gia, tăng tốc tới tương lai, cần đặc biệt chú trọng tăng NSLĐ doanh nghiệp. Phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong mọi chính sách. Theo đó, hàng loạt các chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo lao động đã được chỉ ra, tuy nhiên tính hiệu quả, vẫn mờ nhạt trong nhiều năm qua, chưa tạo được “bứt phá” cho tăng năng suất và tăng trưởng.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, giải pháp căn cơ để thúc đẩy sáng tạo, nâng cao NSLĐ của doanh nghiệp thì cốt lõi phải là cạnh tranh. “Chỉ khi nào Chính phủ tạo lập được một môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, ở đó doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh để bán sản phẩm, dịch vụ thì khi đó họ không chỉ có động lực mà có cả áp lực buộc doanh nghiệp phải đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới sản phẩm, đổi mới mô hình kinh doanh để cạnh tranh với doanh nghiệp khác, như vậy mới thúc đẩy tăng NSLĐ.
“Bên cạnh các giải pháp mà Chính phủ đang thực thì hiện nay, vấn đề cần thiết phải xây dựng và thực thi “Chính sách cạnh tranh quốc gia”. Đây là giải pháp căn cơ”, ông Hiếu kiến nghị.