Vẫn còn chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán
Sáng 12/8, Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kiểm toán nhà nước (KTNN).
Theo đó, vấn đề cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; mở rộng đối tượng kiểm toán là những vấn đề lớn nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.
Liên quan đến việc có ý kiến đề nghị quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra; bổ sung quy định để giải quyết chồng chéo giữa thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành và Kiểm toán Nhà nước (KTNN), ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, việc chồng chéo giữa thanh tra các cấp và KTNN vẫn diễn ra, chưa khắc phục được.
Chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành
Cụ thể, các quy định trong dự thảo luật còn chung chung, chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là để khắc phục tình trạng chồng chéo giữa KTNN với thanh tra chuyên ngành của các bộ và thanh tra địa phương. Vì vậy, theo ông Hải, dự thảo luật cần quy định rõ nguyên tắc phối hợp để tránh chồng chéo trong lập kế hoạch; nguyên tắc, cách thức xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán và kế thừa kết quả của nhau giữa KTNN và thanh tra các cấp.
Có thể bạn quan tâm
Kiểm toán Nhà nước tiếp tục "vạch" các lỗ hổng trầm trọng trong đầu tư công
06:30, 07/07/2019
Kiểm toán Nhà nước “sờ gáy” hàng loạt công trình ở Nghệ An
05:50, 24/06/2019
Kiểm soát quyền lực của cơ quan kiểm toán - cách nào?
10:10, 08/06/2019
Nghẹt thở với thanh kiểm tra
15:17, 25/07/2019
Địa phương "kêu khổ" vì phải tiếp 11 đoàn thanh kiểm tra 1 năm
16:10, 04/07/2019
Thanh kiểm tra: Nỗi ám ảnh của doanh nghiệp
21:34, 31/03/2019
Giải trình làm rõ thêm, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, KTNN và Thanh tra Chính phủ đã ký kết và thực hiện Quy chế phối hợp và những nội dung đề xuất trong dự thảo luật bảo đảm xử lý chồng chéo giữa thanh tra và KTNN. Vì vậy chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với Thanh tra Chính phủ là được. Cho nên, nếu có chồng chéo thì phối hợp với thanh tra để tránh chồng chéo. Ví dụ, như vừa qua kiểm toán định kiểm toán thiết bị y tế và thuốc trong lĩnh vự y tế, nhưng vì vấn đề này đã có trong kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ nên kiểm toán xin rút, và không kiểm toán nữa.
Liên quan đến vấn đề xử lý chồng chéo trong thanh tra kiểm toán giữa Tổng KTNN và Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: KTNN và Thanh tra Chính phủ thống nhất với nhau trong phối hợp, vậy ai là người điều hành 2 vị này trong khi luật chưa quy định mà để cho 2 vị tự phối hợp với nhau. Do đó khi có sự chồng chéo ai là người điều hành để cả 2 cơ quan đều thực hiện được nhiệm vụ theo luật giao? Từ đó bà Phóng cho rằng, khi có sự chồng chéo mà lãnh đạo hai ngành không thống nhất được thì cần báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Còn theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, để xử lý tránh chồng chéo cần lấy kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua hàng năm làm chuẩn, từ đó các cơ quan phải căn cứ vào kế hoạch kiểm toán được Quốc hội thông qua để có kế hoạch thanh tra trong lĩnh vực của mình. Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi vào thanh tra, kiểm toán cùng một nội dung mà không phát hiện được sai phạm, nhưng về sau cơ quan điều tra vào cuộc lại phát hiện ra sai phạm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, hàng năm kế hoạch kiểm toán đều được Quốc hội thông qua, nghị quyết của Quốc hội là cơ sở pháp lý, do đó các đơn vị khác cần căn cứ vào kế hoạch để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo với những cái kiểm toán đang làm.
Băn khoăn mở rộng đối tượng kiểm toán
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm vẫn xoay quanh việc mở rộng đối tượng kiểm toán.
Về vấn đề này, KTNN đề xuất 2 phương án trong dự thảo luật. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Hả, - Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, 2 phương án thực chất là giữ nguyên như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vì phương án 1 là giữ nguyên như đã trình, phương án 2 là chuyển nội dung đã bổ sung tại phương án 1 sang Điều 3. Hiện, dự thảo luật vẫn chưa rõ ràng việc mở rộng đối tượng kiểm toán so với quy định tại Điều 4 Luật KTNN hiện hành, đặc biệt là sẽ bao gồm các tổ chức là doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước.
Ông Hải kiến nghị, nên sửa đổi theo hướng bổ sung nội dung để làm rõ khái niệm tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán trên nguyên tắc bảo đảm điều kiện các tổ chức, cá nhân này là tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Đồng thời, bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm, trình tự, thủ tục của KTNN khi kiểm tra, đối chiếu đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.
Còn theo ông Phớc, ở đâu có tài chính công, tài sản công thì ở đó phải có kiểm toán. Trên thực tế, có nhiều cơ quan Nhà nước liên kết với các doanh nghiệp không trong khối Nhà nước. Do đó phải kiểm toán các tổ chức có liên quan này để đối chiếu với cơ quan Nhà nước. “Ví dụ khi kiểm tra cơ quan thuế, trong hàng nghìn hồ sơ thì sẽ chọn ra 4-5 hồ sơ để đối chiếu xem cơ quan thuế có làm tròn trách nhiệm hay không để còn truy thu. Hay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia có việc cấp vốn cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước để thực hiện chương trình thì phải kiểm toán việc sử dụng vốn có đúng không hay có bị thất thoát không?”, ông Phớc nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề trên, bà Tòng Thị Phóng cho rằng, "nơi nào sử dụng tải sản công, tài chính công thì phải được kiểm toán. Bây giờ chúng ta đang là nền kinh tế nhiều thành phần, sỡ hữu đan xen, công tư kết hợp. Vậy cái nào kiểm toán được làm? cái nào chưa được làm luật cần phải ghi rõ".