Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vẫn thuộc Bộ Tài chính
Các ý kiến thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành phương án Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính nhưng chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ.
Đây là một trong những vấn đề đáng chú ý của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36, chiều 12/8.
Về pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Theo đó 18/34 lượt ý kiến nhất trí mô hình UBCKNN độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế. 11/34 lượt ý kiến cho rằng mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.
Giúp thị trường tài chính ổn định
Trước nhiều quan điểm trái chiều, Uỷ ban Kinh tế đã đề xuất 3 phương án về mô hình hoạt động của Uỷ ban Chứng khoán.
Phương án 1, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Đây là phương án như Chính phủ đã trình nhưng có chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ.
Có thể bạn quan tâm
Vẫn còn chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán
12:20, 12/08/2019
Bổ sung dự toán ngân sách vốn ngoài nước cho Hà Tĩnh và Quảng Bình
12:04, 12/08/2019
Phương án 2, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính, nhưng cần tăng thêm tính độc lập, thẩm quyền của UBCKNN và thẩm quyền của UBCKNN với Sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty lưu ký, sát với pháp luật của những nước có mô hình tương tự.
Phương án 3, là UBCKNN độc lập, trực thuộc Chính phủ.
Kết luận phiên thảo luận chiều 12/8, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho hay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án "UBCKNN vẫn thuộc Bộ Tài chính" như hiện tại và tăng thẩm quyền cho cơ quan này. Quan điểm này đã từng được cơ quan thường trực Quốc hội thống nhất quan điểm tại phiên họp 33, diễn ra hồi tháng 4/2019.
"Việc giữ UBCKNN thuộc Bộ Tài chính sẽ giúp thị trường tài chính ổn định trong bối cảnh hiện nay", ông Hiển nói. Tuy nhiên, theo ông, cần bổ sung thêm một số quyền cho UBCKNN, để phù hợp với thực tiễn, pháp luật.
Thảo luận trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu ý kiến, giữ mô hình hoạt động của UBCKNN như hiện nay, là thuộc Bộ Tài chính, bởi "Việt Nam có đặc điểm riêng khác với các nước". Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, bối cảnh thị trường tài chính quốc tế phức tạp hiện nay và những đặc điểm riêng có của thị trường tài chính Việt Nam thì "nhất thiết phải có Bộ lo, vì đây là van an toàn đảm bảo độ bền vững của nền tài chính quốc gia". Do đó, theo bà Phóng, Uỷ ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính là phương án khả thi.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không được chào bán chứng khoán riêng lẻ
Cũng tại phiên họp, các ý kiến thống nhất không cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chào bán chứng khoán riêng lẻ. Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển phân tích, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu cho phép chào bán chứng khoán riêng lẻ có thể "sẽ có nhiều rủi ro, dẫn tới hiệu ứng domino trên thị trường"."Các doanh nghiệp này cần vốn, nhưng có thể huy động qua các kênh khác, tránh rủi ro cho thị trường tài chính", ông Hiển nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp chào bán chứng khoán riêng lẻ có thể ảnh hưởng tới tính an toàn của thị trường tài chính, chứng khoán. "Trong điều kiện hiện nay chưa nên quy định điều này", bà Ngân nói.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được cụ thể hoá trong nhiều luật hiện hành. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ với công ty không phải là công ty đại chúng.
Ngoài ra, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ & vừa và Nghị định 38/2018 đã có cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Vì thế, việc cho phép doanh nghiệp chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường chứng khoán, ông Thanh nhấn mạnh, "sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên khác".
Dự kiến, dự Luật Chứng khoán sửa đổi được đưa ra thảo luận lần cuối và thông qua tại kỳ họp 8 cuối năm nay.