Ba vấn đề lớn đối với kinh tế biển

Lam Chung 15/08/2019 10:00

Tại buổi chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/8), Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nêu ra 3 vấn đề lớn đối với kinh tế biển.

Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển.

Việt Nam là quốc gia nằm ven Biển Đông, với bờ biển dài 3.260 km từ bắc xuống nam và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn một triệu km2, với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Nhờ vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển bền vững kinh tế biển.

Mặc dù trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ; tuy nhiên, quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức như: gây tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách.

Đáng lo ngại, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; công tác ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế; đồng thời chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển, với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.

Theo TS Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do nhận thức về phương thức bảo vệ và phương pháp quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp yêu cầu phát triển.

Cùng với đó, cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về biển và trong việc tổ chức còn nhiều hạn chế như thể chế, chính sách về biển, đảo chưa đồng bộ, thiếu các quy định chi tiết, khả thi, một số chủ trương lớn chưa được thể chế hóa kịp thời.

Ngoài ra, nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, vẫn còn có những khái niệm khác nhau về kinh tế biển, chưa coi trọng liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển, ven biển.

Theo TS Tạ Đình Thi, đầu tư cho nghiên cứu, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nhất là công tác đào tạo, dạy nghề, chuyển đổi việc làm cho người dân đang sinh sống tại các khu vực ven biển; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển chưa sâu rộng dẫn đến chưa hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên biển hiện nay.

Góp ý để giải quyết vấn đề này, tại phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Hiện kinh tế biển Việt Nam đứng ở góc độ khai thác thủy sản rất lớn, khoảng 95.500 tàu các loại, xấp xỉ 1 triệu nhân lực.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, có 3 vấn đề đang được đặt ra đối với kinh tế biển.

Một là, làm sao khai thác hiệu quả, hai là vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền, ba là ứng phó thiên tai.

Gần đây Thủ tướng có quyết định 930 để tập trung tuyên truyền kỹ năng cho ngư dân, kèm theo đó là triển khai luật thủy sản, tập trung cơ sở vật chất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho 28 tỉnh duyên hải để đi khai thác đảm bảo an toàn, ứng phó thiên tai bằng chương trình hành động.

3 năm qua có 51 cơn bão, áp thấp trên biển Đông. Trong 3 năm qua có 2,1 triệu phương tiện, 9,5 triệu người được di dời, cơ bản đảm bảo an toàn, đặc biệt các khu vực thủy sản.

Hai là, chúng ta tập trung tuyên truyền để đảm bảo hiệu quả khâu liên kết, thành lập nghiệp đoàn. Khánh Hòa và một số tỉnh đang có nhiều mô hình liên kết bạn tàu, hỗ trợ lẫn nhau, ngư dân cùng với doanh nghiệp, khuyến khích thi đua.

Về trang thiết bị, chúng ta đang từng bước nâng cấp với 82 cảng cá, 58 khu neo đậu. Các loại tàu 24 m trở lên đang lắp đặt thiết bị hành trình. Tàu từ 15 m đến dưới 24 m tới đây cũng trang bị toàn bộ.

Ba là, chúng ta đang triển khai các nhóm giải pháp để sớm rút thẻ vàng, trở về trạng thái thẻ xanh.

Lam Chung