Bổ sung hơn 2.000 tỷ đồng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có thể thông xe vào 2020
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Đến năm 2020 sẽ thông xe đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tại phiên chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/8), Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (Cần Thơ) đã chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về tiến độ thi công cao tốc Trung lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2.
“Hiện nay, nhà đầu tư gặp khó khăn trong vấn đề tài chính thì phương án giải quyết như thế nào?” – Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn chất vấn.
Bộ Trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đường cao tốc này là tuyến cao tốc quan trọng nhất của cả nước, Chính phủ đã triển khai dự án này trước đây 10 năm nhưng tiến độ vẫn chậm.
Đối với đoạn đường từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Chính phủ đã có quyết định sẽ bổ sung 2.186 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà đầu tư, và cho phép nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án.
Việc điều chỉnh dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Đây là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã điều chỉnh phụ lục hợp đồng để đưa vào các điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Vốn vay thương mại quyết định thành công BOT Trung Lương - Mỹ Thuận
11:00, 14/08/2019
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn có nguy cơ tạm dừng?
16:05, 13/08/2019
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Nhà đầu tư có quyền "gia hạn, tạm dừng dự án"
00:00, 13/08/2019
Tiến độ Cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận phụ thuộc 2.186 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước
11:05, 09/08/2019
Gỡ “nút thắt” cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bắt đầu từ bài toán vốn
06:34, 08/08/2019
Xây dựng trạm dừng nghỉ phức hợp trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
03:19, 06/08/2019
"Hồi kết" cho dự án cao tốc Trung Lương –Mỹ Thuận!
01:29, 04/08/2019
Tháo gỡ vướng mắc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
05:30, 03/08/2019
Như vậy, về trách nhiệm của Nhà nước, thì với 2.186 tỷ, chúng ta đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, còn phần vốn của nhà đầu tư, hiện nay nhà đầu tư đã bỏ vào khoảng 3.000 tỷ đồng.
Vốn còn lại là của các cơ quan tín dụng. “Vừa qua, Chính phủ đã họp và giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận. Nếu được khoản vốn tín dụng này, cùng với 2.186 tỷ đồng của Nhà nước và 3.000 tỷ đồng của nhà đầu tư bỏ ra, thì đến cuối 2020, dự án sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận”. – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Đối dự án cầu Mỹ Thuận 2, được Quốc hội bố trí vốn hơn 5.100 tỉ đồng, “tư lệnh” ngành giao thông cho biết, Bộ GTVT đang làm hồ sơ thiết kỹ thuận và dự toán. Theo kế hoạch đến năm 2020, Bộ GTVT sẽ khởi công cầu Mỹ Thuận 2, riêng đường vào cầu sẽ mở vào cuối năm 2019.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết đoạn cuối cùng từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, dự án này chưa mở thầu vì còn phải bổ sung nguồn vốn là 932 tỉ đồng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung nguồn vốn này, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định chính thức.
"Khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ chúng tôi sẽ mở thầu. Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở thầu đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ, đồng thời sẽ làm việc với tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long bàn giao mặt bằng cho các đơn vị này sử dụng 932 tỷ để giải phóng mặt bằng. Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh nhất, sớm nhất có thể thông tuyến xuống được Cần Thơ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng” - người đứng đầu ngành giao thông khẳng định.
Trước đó, sáng 13/8, Trao đổi với DĐDN liên quan tới dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Mai Mạnh Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết: "Mặc dù ngày 12/8/2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã ký kết phụ lục hợp đồng BOT số 3 với Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và liên danh các nhà thầu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hoàn tất các thủ tục pháp lý thể hiện qua giấy tờ chứ thực tế chưa có đồng nào, do đó, việc phải tạm dừng triển khai dự án là hoàn toàn có thể xảy ra".
Theo ông Hồng, phần vốn 2.186 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng vốn đầu tư Dự án, tuy nhiên, phần vốn này lại giữ vai trò quan trọng trong phương án tài chính vừa được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Bên cạnh đó, yêu cầu nhà nước sớm giải ngân phần vốn này cũng là điều kiện “bắt buộc” từ phía liên danh các ngân hàng để họ giải ngân nguồn vốn vay tín dụng.
"Hiện nay các nhà thầu đã đầu tư tổng cộng khoảng 3.000 tỉ đồng vào việc thi công Dự nà và hiện đã cạn kiệt vốn. Vì vậy, nếu đến cuối tháng 8/2019, nguồn vốn ngân sách 2.186 tỉ đồng vẫn chưa được giải ngân thì Dự án vẫn buộc phải tạm dừng theo như kế hoạch như trước đó đề ra. Trường hợp vẫn thi công nhưng cũng chỉ có thể cầm chừng để chờ nguồn từ ngân sách rót vốn" - ông Hồng thông tin thêm.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1 km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điểu chỉnh là 9.668 tỉ đồng. Ngày 22/3/2019, Bộ GTVT đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận về tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GTVT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Sáng 23/7/2019, Nhà thầu thi công gói thầu XL13 (Công ty CP Cầu 12), được thực hiện thi công tại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (đoạn qua QL1A, nút giao Cái Bè thuộc xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), chính thức tuyên bố ngưng thi công, đồng thời, giăng băng rôn, khẩu hiểu để phản ứng, gây sức ép cho chủ đầu tư, cản trở việc thi công tại dự án vì cho rằng chủ đầu tư không chịu thanh toán cho nhà thầu từ mấy tháng nay. |