Ì ạch cải tạo hạ tầng sân bay

Anh Duy 20/08/2019 00:01

Một lần nữa báo động về tình trạng quá tải, xuống cấp của hạ tầng sân bay Việt Nam đang đặt ra yêu cầu giải quyết vướng mắc liên quan cơ chế cho việc cải tạo hạ tầng sân bay được tiến hành.

Sân bay Nội bài đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì đường băng xuống cấp nghiêm trọng.

Hạ tầng khu bay xuống cấp nghiêm trọng

Đánh giá về tình trạng xuống cấp của đường băng sân bay, Lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (ACV) cho biết, đường cất hạ cánh 1A (đường băng) - sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) xuất hiện hằn lún bánh máy bay rộng 1m, trong khi đường băng 1B thường xuyên nứt vỡ và phùi bùn, cá biệt, có những vị trí độ vênh bê tông tới 3cm.

Với khu vực đường lăn có kết cấu bê tông nhựa, trên bề mặt các đường lăn nối đoạn tiếp giáp đường cất hạ cánh 11L/29R cũng xuất hiện vệt hằn theo vệt càng sau máy bay. Tại một số khu vực, dù đã được sửa chữa, nhưng đến nay tiếp tục bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt.

Tình trạng nói trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động bay, thậm chí đường băng đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa bất cứ lúc nào” - Lãnh đạo ACV cho biết.

Được biết, hiện nay, sản lượng bay tại sân bay Nội Bài trong 3 năm qua đã tăng bình quân 11%/năm, có thời điểm số chuyến bay cất hạ cánh lên tới 42 chuyến/giờ so với năng lực khai thác là 37 chuyến/giờ.

Tần suất khai thác tăng và các tàu bay có tải trọng lớn gia tăng dẫn đến hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp, mức độ hư hỏng cũng như mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay làm khó doanh nghiệp

    11:30, 16/08/2019

  • Đến năm 2030, Hàng không Tre Việt tăng lên 30 tàu bay

    19:57, 15/08/2019

  • Sẽ công bố quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không quốc tế Nội Bài vào quý III/2020

    16:40, 12/08/2019

  • Lãnh đạo AirAsia: Luôn có chỗ cho hãng hàng không mới ở thị trường Việt Nam

    23:11, 09/08/2019

  • Xu hướng nào cho ngành năng lượng, hàng không và y tế trong năm 2019?

    11:00, 08/08/2019

  • Airbus A220-300 trong tầm ngắm của các hãng hàng không Việt Nam

    20:44, 01/08/2019

  • Thị trường hàng không nhiều rào cản, Vietravel có cơ "chơi lớn"?

    13:19, 30/07/2019

Cơ chế làm... nản nòng doanh nghiệp

Trên thực tế, không chỉ sân bay Nội Bài mà đường băng sân bay Tân Sơn Nhất cũng trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng, cần phải sửa chữa lớn, vì nguy cơ mất an ninh, an toàn rất cao.

Tuy nhiên, quy định hiện tại không cho phép ACV được đầu tư vào khu bay, bảo dưỡng, sửa chữa lớn hạ tầng.

Các hạng mục về đầu tư, sửa chữa tài sản khu bay đều tạm dừng do vướng mắc về cơ chế nên Cảng Nội Bài chỉ có thể duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, khắc phục sự cố sân đường.” - Đại diện ACV nói.

Trước đó, hồi tháng 9/2018 khi nói về vấn đề này, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV đã từng cho biết: Doanh nghiệp đang giữ hộ ngân sách nguồn thu từ phí cất, hạ cánh tại cảng hàng không (tích lũy từ 2018, dự kiến mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng), hiện chưa đủ để nâng cấp đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Khu bay do Nhà nước đang quản lý, nếu Nhà nước giao cho ACV thì doanh nghiệp có thể dùng quỹ đầu tư phát triển của mình để nâng cấp.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đường băng 1B của sân bay Nội Bài và đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ với số tiền dự kiến gần 4.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngân sách hạn chế, Nhà nước không thể bố trí 4.500 tỷ đồng để nâng cấp nên Bộ đề xuất lấy nguồn thu từ phí cất hạ cánh và sử dụng vốn của ACV để đầu tư. Ngoài ra, các hạ tầng sân bay như hệ thống thoát nước, đường lăn, cũng sẽ đề xuất Chính phủ sử dụng nguồn vốn ACV, sau đó Nhà nước sẽ hoàn trả cho doanh nghiệp.

"Nếu chờ ngân sách là không kịp. Chúng tôi đang theo hướng sử dụng vốn doanh nghiệp, thông qua Cục Hàng không giám sát việc sử dụng, và chịu trách nhiệm về việc đầu tư đó", ông Thể nói. 

Thực tế, đây không phải lần đầu hạ tầng hàng không bị cơ chế “kìm chân”. Chia sẻ với phóng viên, Vị Chủ tịch HĐQT một hãng hàng không từng than phiền, doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm sửa chữa máy bay, sau khi hoàn thành thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư, thẩm định, đấu thầu… đến thủ tục cấp phép xây dựng lại “tắc”.

Đến Sở Xây dựng địa phương thì được biết không đủ thẩm quyền, quy định trong Luật Hàng không thì cảng hàng không là công trình đặc biệt cấp quốc gia nên phải xin ý kiến cấp Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng lại yêu cầu đất phải có sổ đỏ, vậy là dự án “đứng im”. Bộ GTVT và Bộ Tư pháp cũng không có phương án giải quyết cho doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp không hiểu nổi, ở trên đất mình đã trả tiền thuê, thiết kế trung tâm sửa chữa đã được Bộ Xây dựng thẩm định nhưng vẫn không được làm”, Vị Chủ tịch HĐQT than phiền.

Một ví dụ khác cũng được cho là điển hình trong vướng mắc về cơ chế đầu tư hạ tầng hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất được “giải cứu” trên giấy suốt 3 năm qua mà chưa quyết định được nhà đầu tư. Trong khi đó, ACV hiện đang là nhà đầu tư quản lý, khai thác cảng hàng không này.  

“Nhưng vướng một cái là ACV cổ phần hoá rồi nên hoạt động theo cơ chế CTCP. Tuy nhiên, đường băng, sân đỗ lại không được đưa vào khi cổ phần hoá, do đó, khi cải tạo là công sản, quy định là Nhà nước bỏ vốn. Điều này dẫn tới ACV có 5.000 tỷ trong ngân hàng nhưng không thể nâng cấp cải tạo đường băng sân đỗ”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh.

Thậm chí, vướng mắc cơ chế còn được cho là ngày càng trầm trọng, tới mức làm nản lòng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh nghiệp cho rằng, xác định rõ ràng khuôn khổ pháp lý là điều bắt buộc. “Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta ban hành nhiều Luật và Nghị định dưới luật nhưng xảy ra chồng chéo hoặc không rõ ràng. Nếu không có giả pháp thúc đẩy xử lý khoảng trống pháp lý này thì chúng ta không thể hội nhập, bởi hiện chúng ta đã hội nhập sâu đến mức hạ hết hàng rào kỹ thuật, đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất lớn rồi, mà “trong nhà” vẫn cứ rối ren như vậy thì làm sao cạnh tranh”, vị lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị.

Ghi nhận vướng mắc này từ phía doanh nghiệp, tại cuộc họp triển khai công tác an toàn, an ninh hàng không gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình cũng đã yêu cầu sớm xử lý vướng mắc liên quan đến hạ tầng khu bay.

Phó Thủ tướng nhận định: “Tiền có mà cơ chế không cho làm là rất vô lý. Cơ chế vô lý, phải tập trung tháo gỡ nhanh”. 

Đường cất hạ cánh 1B CHK Nội Bài đưa vào khai thác năm 2003, được thiết kế đảm bảo khai thác tàu bay B747-400 cho khoảng 10.500 lượt cất hạ cánh trong 20 năm.

Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2018, tổng số lần cất/hạ cánh trên đường băng này đã lên 284.200.

Anh Duy