Phòng chống tham nhũng: Không dừng, không nghỉ, không chùng xuống
Năm 2019, công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, "không dừng", "không nghỉ", "không chùng xuống".
Đây là báo cáo của Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, sáng 12/9.
Theo đó, Chính phủ nêu một số kết quả nổi bật.
Thứ nhất, đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Có thể bạn quan tâm
Thứ hai, công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ ba, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều tiến bộ, có nhiều vụ việc phức tạp đã thực hiện vượt tiến độ, kế hoạch, khắc phục dần tình trạng "trên nóng, dưới lạnh"; "tham nhũng vặt" được quan tâm chỉ đạo, tạo chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Kết quả nổi bật tiếp theo được nêu tại báo cáo là nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là các quy định về nêu gương, về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân, về xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; về thi hành Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tố cáo...
Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả nổi bật là các cơ quan truyền thông và báo chí tích cực tuyên truyền, thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng; đảm bảo nghiêm kỷ luật thông tin, tham gia tích cực đấu tranh, ngăn chặn "tham nhũng vặt". Quốc Hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường giám sát việc thực hiện quy định về phòng chống tham nhũng, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức góp phần quan trọng vào kết quả công tác phòng chống tham nhũng.
Nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi, Chính phủ khái quát. Dự báo của Chính phủ trong thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận hạn chế là công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Chính phủ cũng thừa nhận, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.