Nhật Bản mong muốn đầu tư cao tốc tại Việt Nam
Đây là một nội dung đề xuất của Thống đốc tỉnh Aichi (Nhật Bản) Omura Hideaki trong buổi gặp gỡ với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chiều 12/9.
Aichi là một trung tâm kinh tế và công nghiệp của khu vực miền Trung Nhật Bản, có dân số 7,5 triệu người nhưng GDP của tỉnh này là khoảng 330 tỷ USD, có quy mô thứ 3 tại Nhật Bản.
Công nghiệp của tỉnh Aichi nổi tiếng về chế tạo ô tô, tàu cao tốc Shinkansen và công nghiệp hàng không vũ trụ. Hiện có 32.000 người Việt đang sinh sống, học tập tại tỉnh Aichi.
Thống đốc Omura Hideaki bày tỏ muốn có thêm chuyến bay nối Aichi với TP HCM, Đà Nẵng và các thành phố khác của Việt Nam.
Trong chuyến công tác này, tỉnh Aichi đã làm việc với Vietnam Airlines và Vietjet và nhận được những tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Aichi cũng muốn tham gia đầu tư dự án đường cao tốc mới nối thành phố TP HCM với dự án sân bay Long Thành và hy vọng đây sẽ trở thành biểu tượng mới trong quan hệ của Nhật Bản và Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính quyền phải “bám làng” cùng người dân vùng lũ
19:24, 07/09/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Xem xét cho phá sản công ty nông, lâm nghiệp yếu kém
02:10, 22/08/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm có kết luận về Asanzo để làm rõ đúng sai
06:00, 01/08/2019
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh các đề xuất của tỉnh Aichi trong hợp tác, đầu tư với các bên của Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy dự án sân bay Long Thành thì dự án đường cao tốc nối TP HCM và sân bay Long Thành có ý nghĩa quan trọng trong xử lý vấn đề ùn tắc giao thông và kết nối kinh tế. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các doanh nghiệp tốt nhất của Aichi có thể tham gia đầu tư, xây dựng dự án này tại Việt Nam.
Theo phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), có 3 tuyến đường kết nối trực tiếp vào sân bay là quốc lộ 51; đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến phía sau sân bay ra đường vành đai 4. Đây là 3 tuyến đường chính rất quan trọng để từ TPHCM cũng như những đô thị lớn khác đến Sân bay Long Thành.
Theo kiến nghị của Sở GTVT Đồng Nai, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cần phải sớm có phương án mở rộng mới đủ đáp ứng nhu cầu đi lại khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Cụ thể, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cần phải mở rộng đoạn từ TPHCM đến Long Thành. Đoạn này cần phải mở rộng lên 10-12 làn xe, nếu chỉ xây dựng theo quy hoạch là 8 làn sẽ không đáp ứng được nhu cầu.
Tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án vào năm 2007 chia làm 2 giai đoạn xây dựng.
Giai đoạn 1 là đoạn An Phú - Long Thành, xây dựng với quy mô 4 làn xe cho cả đường và cầu; phần đường có thêm 2 làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn 2 - giai đoạn hoàn chỉnh đoạn từ An Phú - Long Thành sẽ mở rộng lên 8 làn xe cho cả đường và cầu, đoạn từ Long Thành đến Dầu Giây sẽ mở rộng lên 6 làn xe.
Về vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng lưu ý, nếu chọn việc mở rộng cao tốc lên đến 12 làn xe thì sẽ phải có phương án sớm vì liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.
Trong khi đó, để sớm kết nối thông suốt từ cảng hàng không quốc tế Long Thành với TPHCM, Viện Chiến lược và phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT) cũng đưa ra đề xuất xây dựng tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm đi Sân bay Long Thành và kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 của TPHCM từ Thủ Thiêm đến Tân Sơn Nhất.
Đây là phương án kết nối được 2 sân bay với nhau. Ngoài ra, cần xây dựng cầu Cát Lái để nối TPHCM với tỉnh lộ 25C của Đồng Nai với Sân bay Long Thành, như thế sẽ tạo thêm hướng kết nối với Sân bay Long Thành. Song song đó, tỉnh Đồng Nai đang tích cực phối hợp với Bộ GTVT để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết cho dự án Đường Vành đai 3 được đầu tư nhanh chóng.