Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà: Không cho phép phạt cho tồn tại

Nguyễn Việt 18/09/2019 17:25

“Theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, từ 1/1/2018, nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định, không phạt cho tồn tại".

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định tại phiên họp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng, ngày 18/9.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi, khi công trình người dân xin phép thì vô cùng khó khăn, nhưng có những công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

“Người dân tâm tư, băn khoăn, mất lòng tin, không hiểu tại sao lại như vậy. Có hiện tượng mà nhiều đại biểu đã nêu là tình trạng phạt cho tồn tại. Tôi cũng mong muốn trong luật này đưa ra nguyên tắc, không để phạt cho tồn tại. Phạt theo quy định rồi thì phải xử lý, phải cắt, thậm chí tháo dỡ, phá bỏ nếu nó ảnh hưởng đến đời sống của người dân”, bà Hải đề nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Không nên cấm

    Không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ"

    20:59, 17/09/2019

  • Gỡ khó cho hộ kinh doanh

    Gỡ khó cho hộ kinh doanh

    18:03, 17/09/2019

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Bộ Xây dựng nêu rõ tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ nào? Công trình xây dựng không phép và sai phép mức độ ra sao? Những vi phạm đó có đúng như ở một số thành phố và một số vụ án đã khởi tố trong thời gian qua? Uỷ ban Tư pháp nhận định, có những công trình xây dựng không phép, sai phép trong một thời gian dài nhưng cho tồn tại và không được phát hiện. Cho đến khi phát hiện thì lại khởi tố doanh nghiệp. Có bao nhiêu chủ thể có trách nhiệm, có thẩm quyền?

Liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm, theo bà Nga, không phải chỉ ở Bộ Xây dựng mà còn có cả các địa phương. Bên cạnh đó, trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, vấn đề đặt ra là hiện nay có một số vụ án muốn xử lý hình sự phải có yếu tố xử lý hành chính. Nhưng bây giờ không tìm được vì có xử lý hành chính đâu?

“Các đại biểu trước nói rồi, trong lĩnh vực xây dựng thì chỉ đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà dân là có người đến ngay. Thế nhưng với những công trình lớn như các đại biểu nói thì cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, những người có thẩm quyền ở đâu? Thẩm quyền có nhưng trách nhiệm bây giờ như thế nào? Chúng tôi đề nghị nói rõ trong báo cáo tổng kết về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các chủ thể. Trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương, từ đó mới tính sửa những điều về quản lý nhà nước”, bà Nga nói.

Trả lời những thắc mắc trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thừa nhận "những tồn tại, bức xúc mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói về lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn xác đáng. Như chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói, thanh tra quy định trong Luật thanh tra, xử phạt hành chính... cũng có quy định. Chúng tôi tổ chức thực hiện luật còn sai phạm cụ thể như thanh tra Bộ Xây dựng vừa rồi thì phải xử lý rất nghiêm theo quy định".

Đối với việc có phạt cho tồn tại hay không, ông Hà khẳng định: "Theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP, từ 1/1/2018 là không cho phép phạt cho tồn tại. Nếu sai phép, không đúng phép phải khôi phục công trình theo đúng quyết định chứ không phạt cho tồn tại nữa".

Nguyễn Việt