Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việt Nam đang hiện hữu bẫy thu nhập và chưa giàu đã già

Nguyễn Việt 23/09/2019 22:44

Nguy cơ Việt Nam bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và sẽ có thể rơi vào tình trạng chưa giàu đã già. 

Đây là chia sẻ thẳng thắn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi hội đàm với Phó Chủ tịch cao cấp, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Pinelopi Koujianou Goldberg nhân chuyến công tác của bà tại Việt Nam, tham dự Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019, chiều 23/9 tại Trụ sở Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: Thành Chung

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: Thành Chung

Tại buổi hội đàm, hai bên đã thảo luận và chia sẻ nhiều nội dung về mặt trái và cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam, đầu tư cho nguồn nhân lực, các chính sách thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động và thu nhập của người lao động…

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng:

    Phó Thủ tướng: "Nâng thêm mức vay, kéo dài thời gian vay vốn cho người nghèo"

    22:05, 23/09/2019

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn thảo luận với bà Goldberg và nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới, thảo luận về những ưu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; đồng thời đánh giá về bối cảnh, xu hướng và những tác động của kinh tế toàn cầu đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hiện nay.

Thông báo một số nội dung về tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, vấn đề tài trợ các dự án ODA, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới cho Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam gặt hái được thành công qua 30 năm đổi mới và được quốc tế ghi nhận nhưng còn nhiều vấn đề phía trước. Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh.

Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có, các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến.

Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Nguy cơ Việt Nam bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu và sẽ có thể rơi vào tình trạng chưa giàu đã già”, Phó Thủ tướng bày tỏ. 

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng quy mô kinh tế nhỏ, sự tham gia vào nền kinh tế toàn cầu rất hạn hẹp, trong khi sự hình thành và phát triển các chuỗi giá trị (trên phạm vi toàn cầu) đang được đánh giá là xu hướng lớn của nền kinh tế thế giới. Một trong những nhận định cho rằng, để gia tăng tiềm lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu được lợi ích trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, cần phải tham gia và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe những dự báo của Ngân hàng Thế giới về vấn đề này và đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam (cụ thể là doanh nghiệp Việt Nam) có thể tham gia và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hàng loạt vấn đề khác cũng được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt hàng với bà Phó Chủ tịch cao cấp, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới như vấn đề phát triển tam nông, phát triển đô thị và kinh tế vùng, điều phối kinh tế vùng...

Giải đáp những vấn đề Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra, bà Goldberg cho biết, những thách thức đặt ra với Việt Nam cũng là những thách thức mà các nước phát triển phải đối mặt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới là để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình này.

Phó Chủ tịch cao cấp, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Pinelopi Koujianou Goldberg. Ảnh: Thành Chung

Phó Chủ tịch cao cấp, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Pinelopi Koujianou Goldberg. Ảnh: Thành Chung

Việt Nam đã làm rất tốt trong tạo việc làm khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng để vươn lên nấc thang thu nhập cao hơn, trở thành nước có thu nhập cao, Việt Nam phải tham gia vào công đoạn cao hơn, những chuỗi giá trị cao. Như trong nông nghiệp, thay vì xuất khẩu hàng thô thì phải xuất khẩu hàng đã qua chế biến. Trong công nghiệp, những công đoạn còn sơ khai, cần chuyển lên nấc tiên tiến hơn, đòi hỏi hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Chia sẻ với quan điểm của Phó Thủ tướng về những bất trắc khó lường trong thời đại ngày nay mà chúng ta phải đối mặt, bà Goldberg cho rằng, có những bất trắc về mặt chính sách và công nghệ. Việt Nam đã từng trải qua nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn chiến tranh, và đã rất nỗ lực để thoát khỏi khó khăn, đó là những kinh nghiệm tốt để Việt Nam tiếp tục có hướng đi phù hợp, thúc đẩy phát triển.

Cho rằng nguồn vốn con người luôn là tài sản quý giá nhất của một quốc gia, bà Goldberg nhận định, Việt Nam đã đầu tư nhiều vào giáo dục và mang lại kết quả tốt, nhưng vấn đề quan trọng tiếp theo là phải cải cách giáo dục đại học và đào tạo nghề, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục. Thị trường hiện nay đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng mềm, ngoại ngữ. Học sinh Việt Nam học tốt Toán và khoa học nhưng phải đào tạo tốt hơn nữa kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên và người lao động.

Nguyễn Việt