[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đầu tư mạo hiểm – Động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo (Bài 2)
Chính phủ sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ thông qua các Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.
Trong tất cả các quốc gia có hệ sinh thái Startup đặc biệt phát triển như Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Singapore... đều có sự tham gia của Chính phủ, không chỉ với vai trò chính sách mà còn dưới vai trò là nhà đầu tư cho Quỹ.
Một ví dụ điển hình nhất khi nhắc tới hệ sinh thái khởi nghiệp, đó chính là Mỹ, tại quốc gia này, Chính phủ, các Quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư Thiên thần có thể nói là mạch máu xuyên suốt nuôi dưỡng quá trình phát triển của Startup.
Ngoài tham gia dưới vai trò chính sách, Chính phủ Mỹ đã trực tiếp tham gia vào việc đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đầu tư mạo hiểm – Động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo (Bài 1)
05:00, 23/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Xây dựng nhà nước kiến tạo: Cần xoá bỏ những rào cản
09:00, 22/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Nhà nước kiến tạo phát triển - mô hình tối ưu cho Việt Nam
05:00, 22/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Liên minh doanh nghiệp (Bài 2)
12:14, 18/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đường lên đỉnh Olympia và chuyện “chảy máu chất xám”
06:55, 17/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Liên minh doanh nghiệp (Bài 1)
06:10, 16/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “ĐỔI MỚI 2” là tất yếu
11:15, 13/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Bốn chữ “THẬT” trong cải cách giáo dục
13:00, 02/09/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] “Đoàn kết vùng” - từ một câu chuyện nhỏ!
05:30, 20/08/2019
Chính phủ Mỹ đã đầu tư 25% tổng số vốn của hai quỹ Huron River Ventures và Michigan Accelerator Fund ngay từ khi mới thành lập và Chính phủ chấp nhận giới hạn lợi nhuận của mình ở mức 1,5 lần (điều này đồng nghĩa nếu quỹ tạo ra lợi nhuận hơn 1,5 lần tất cả các nhà đầu tư sẽ được lãi nhiều hơn phần mình đóng góp) giúp quỹ nhanh chóng được thành lập và đi vào hoạt động.
Tọa lạc tại phía Bắc California (Mỹ), Silicon Valley được thế giới coi là thánh địa công nghệ toàn cầu với số lượng Startup từ 14.000 đến 19.000 và từ 1,7 đến 2,2 triệu nhân viên công nghệ cao.
Đây là ngôi nhà của những câu chuyện thành công như: Apple, Google, Facebook, và vô số những Startup thành công khác. Chỉ với 3 Startup đã tạo ra 1.500 tỷ đô la giá trị vốn hoá thị trường và sử dụng hơn 165.000 lao động.
Tác động của Thung lũng Silicon tới thế giới và chính nước Mỹ là không thể phủ nhận, trong Báo cáo Dự án đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh chỉ ra rằng mỗi công nghệ cao trong Hệ sinh thái ở Thung lũng Silicon giúp tạo ra khoảng 5 triệu việc làm.
Trong một số nghiên cứu khác về sự ảnh hưởng của những Startup này, Facebook đã công bố tạo ra 4 triệu việc làm trên toàn cầu, bao gồm nhân viên phát triển ứng dụng và nhân viên tiếp thị Facebook. Cứ như vậy, Thung lũng Silicon đã truyền cảm hứng khởi nghiệp cho toàn thế giới.
Theo thống kê của NVCA (National Venture Capital Associates), mỗi năm nước Mỹ thu hút từ 50 đến 60 tỷ đô la đầu tư mạo hiểm và Silicon Valley chiếm khoảng một nửa số này.
Với nguồn vốn đầu tư này ước tính xấp xỉ 0,23% GDP nhưng tạo ra 21% GDP và 11% việc làm mỗi năm cho nước Mỹ. Một tỉ lệ ngoạn mục cho thấy tác động của nguồn vốn này đến sự phát triển của nền kinh tế Mỹ và là sự ao ước của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Châu Á, nhiều quốc gia đã xác định việc phát triển khoa học là yếu tố then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh. Israel, Hàn Quốc hay Singapore đều là những minh chứng sống động cho sức mạnh khoa học công nghệ có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với nền kinh tế.
Được thế giới mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”, từ cách nay hơn 40 năm, Chính phủ Israel đã bắt đầu có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để khởi nghiệp sáng tạo. Trong các bộ của Israel đều có một cơ quan chuyên về đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo và một chuyên gia trưởng được phân công chịu trách nhiệm về việc phát triển khoa học công nghệ để thúc đẩy đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo.
Xét theo phần trăm GDP, Israel dành nhiều ngân sách nhất cho R&D trên thế giới với khoảng 4,5%, cao hơn rất nhiều mức bình quân 2,2% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và các quốc gia có cùng mức GDP trên toàn cầu.
Theo Cơ quan sáng tạo Israel (IIA), nguồn ngân sách trên được sử dụng chủ yếu để chính phủ chia sẻ các rủi ro về tài chính với những startup.
Bằng việc đầu tư vào công nghệ cùng các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ Israel đã chia sẻ bớt gánh nặng cũng như rủi ro khi đổ tiền vào các startup, qua đó nuôi dưỡng được một nền tảng công nghệ cũng như vườn ươm khởi nghiệp phát triển.
Tính đến tháng 4/2015, Bộ Kinh tế Israel đã hỗ trợ cho 20 startup bằng cách đầu tư 7 tỷ USD cho mỗi 1 tỷ USD gọi vốn từ các nhà đầu tư tư nhân. Như vậy, mảng tư nhân chỉ chiếm 15% tổng số vốn đầu tư cho khởi nghiệp ở Israel nhưng lại đóng vai trò khá quan trọng trong giai đoạn sau của doanh nghiệp khi các dự án thành công.
Ngoài ra, hàng năm, văn phòng khoa học quốc gia Israel (OCS) sử dụng 85% khoản tiền ngân sách 450 triệu USD để hỗ trợ cho gần 200 startup cũng như đầu tư cho hàng loạt các dự án nghiên cứu, phát triển của những tập đoàn lớn.
Theo tính toán của các cơ quan chức năng Israel, trong những năm qua, khi Chính phủ Israel đầu tư 1 đô la cho khởi nghiệp sáng tạo thì mang lại lợi nhuận 5-8 đô la, thậm chí là 17 đô la cho đất nước.
Vượt qua mọi khó khăn, ngày nay nền kinh tế Israel được đánh giá là “rất phát triển”, GDP đầu người đạt gần 40.000 đô la. Năm 2013, Israel được xếp thứ trong tổng số 187 quốc gia về Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hiệp quốc. Trong những thành công đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của quá trình đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo.
Năm 2008, lượng vốn đầu tư mạo hiểm rót vào Israel đạt gần 2 tỷ đô la, bằng với nguồn vốn tương tự chảy vào Vương Quốc Anh (với 61 triệu dân) hay vào Đức và Pháp cộng lại (với hơn 145 triệu dân).
Cũng Israel là quốc gia ngoài nước Mỹ có nhiều công ty niêm yết nhất trên sàn chứng khoán NASDAQ. Tính từ thập niên 1980 đến nay, có hơn 250 công ty Israel đã thực hiện IPO trên NASDAQ.
Israel cũng là nơi sản sinh ra những công ty sáng tạo và đổi mới nổi tiếng như Teva – công ty sản xuất thuốc với giá trị thị trường là 43 tỷ USD và Check Point – công ty công nghệ phần mềm có trị giá 11 tỷ đô la.
Rõ ràng, Chính phủ là người dẫn dắt thị trường khởi nghiệp và tạo tiền đề cho các quỹ và các công ty tư nhân tham gia vào cuộc chơi dài hạn sau cùng.
Việc Chính phủ tạo ra được cơ chế cũng như đi đầu chia sẻ rủi ro với tư nhân sẽ kích thích làn sóng đầu tư vào công nghệ, tạo nên một thị trường khởi nghiệp khỏe mạnh và phát triển cho dài hạn.
Một quốc gia trong Châu Á khác cũng có sự đầu tư rất lớn của Chính phủ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đó chính là Hàn Quốc.
Hàn Quốc đầu tư 2,91 tỷ đô la để phát triển Startup, trong đó phần lớn số tiền này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các Startup thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân ở các giai đoạn khác nhau, đồng thời là việc rỡ bỏ một số các loại thuế từ bán cổ phần công ty cũng như cho phép nhà đầu tư miễn giảm thuế với điều kiện họ tái đầu tư khoản lãi từ bán cổ phần của mình.
Như vậy, có thể thấy rằng, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho các Startup của mình một cơ chế dễ dàng huy động vốn ở mọi giai đoạn: Giai đoạn vốn mồi và trước sàn KONEX: Startup Hàn Quốc có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm được đồng đầu tư bởi Chính phủ. Các giai đoạn sau, Startup có thể lần lượt huy động vốn ở sàn KONEX, KOSDAQ và KOSPI.
Ngoài ra, các cơ chế đồng đầu tư của Chính phủ cũng như miễn giảm thuế thu từ bán cổ phần cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp thường xuyên thực hiện mua bán sáp nhập hơn, qua đó tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Chính phủ Hàn Quốc từ năm 2005 đã thành lập “Quỹ Mẹ” (Fund of Funds) được quản lý bởi công ty nhà nước KVIC (Korea Venture Investment Corporation).
Công ty này quản lý nguồn vốn góp từ 8 cơ quan chính phủ khác nhau (các Bộ và các tổng công ty Nhà nước) và góp vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc nhằm tạo vốn mồi cho các quỹ đầu tư mạo hiểm này đi kêu gọi thêm vốn đầu tư từ tư nhân.
Tính đến thời điểm năm 2016 thì 66,6% số quỹ đầu tư mạo hiểm và 81,1% số tiền đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc đều được tạo ra từ các khoản vốn mồi của KVIC vào các quỹ đầu tư.
Ngoài công cụ là KVIC, Chính phủ Hàn Quốc còn sử dụng Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (Korea Developemt Bank – KDB) để đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm. Từ năm 2011 đến năm 2015 cho thấy 12,5% số vốn của các quỹ đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc đều xuất phát từ KDB.
Chính phủ Hàn Quốc còn dùng đến Growth Ladder Fund (GLF), tổ chức này có nhiệm vụ huy động và quản lý vốn từ các Ngân Hàng Quốc Doanh của Hàn Quốc để đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm và đồng thời họ cũng được quyền đầu tư vào các doanh nghiệp Startup ở giai đoạn phát triển và mở rộng.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc còn cho phép các quỹ hưu trí đầu tư tới 10% tổng số tiền của họ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Với các công cụ này, Hàn Quốc đã tăng tổng số quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước từ 54 lên tới 279 quỹ. Thời gian này cũng là thời gian mà các công ty công nghệ “tỷ đô” của Hàn Quốc được xây dựng như KaKao, Naver, Coupang...
Thị trường đầu tư mạo hiểm tại Hàn Quốc bắt đầu cất cánh vào năm 2014. Từ 71 triệu đô la đầu tư trong năm 2013, tới năm 2014 đã tăng lên 949 triệu đô la. Sau đó, nó đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,8 tỷ đô la trong năm 2015.
Những năm gần đây, số vốn đầu tư mạo hiểm hàng năm đã duy trì ổn định ở mức 500 triệu- 600 triệu đô la mỗi năm. Điều này cho thấy, chính những nỗ lực hỗ trợ cho startup và sự đầu tư mạnh tay từ những ngày đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc đã lôi kéo được một loạt các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư có trụ sở tại Hàn Quốc, các công ty đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước tích cực tham gia vào thị trường đầu tư mạo hiểm nước này.
Một ví dụ gần hơn nữa trong khu vực, chính là Singapore. Chính phủ Singapore đầu tư đối ứng lên tới 3 triệu đô la cho mỗi quỹ được thành lập. Tất cả các quỹ tên tuổi tại đây đều có sự tham gia vốn của chính phủ như: JFDI, IMJ fund...
Ngoài ra, Chính phủ hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư cá nhân trong chương trình SG Equity để đồng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đủ điều kiện theo chương trình này.
Đối với các công ty khởi nghiệp công nghệ nói chung, chính phủ đầu tư 70% kinh phí ban đầu, tối đa 250 nghìn đô la và tỷ lệ 1:1 cho các khoản đầu tư tư nhân tiếp theo với số tiền lên tới 2 triệu đô la.
Đối với các công ty mới khởi nghiệp được phân loại là công nghệ cao và phức tạp, chính phủ đầu tư 70% kinh phí ban đầu, tối đa 500 nghìn đô la và cung cấp tỷ lệ 1:1 tương tự với số tiền lên tới 4 triệu đô la.
Chính sự tập hợp của các nhà đầu tư và luật doanh nghiệp về đầu tư tương đồng với các nền kinh tế như Mỹ và Anh đã kéo các Startup trong khu vực tập trung về nước này. Singapore mặc dù không có thị trường để Startup khai thác nhưng lại là quốc gia có nhiều Startup lớn nhất trong khu vực và được coi là thung lũng Silicon của Châu Á.
Có thể thấy trong tất cả các ví dụ trên, Chính phủ các nước đều tham gia rất mạnh tay vào việc đầu tư cho các Startup công nghệ, nhưng họ không trực tiếp quản lý khoản vốn đầu tư của mình mà đều thông qua các Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân trong nước.
Có 3 lý do giải thích tại sao Chính phủ Mỹ, Hàn Quốc và Singapore lại chọn làm theo phương án này:
Thứ nhất là về thời gian giải ngân. Quy trình giải ngân của Chính phủ thường phức tạp và đòi hỏi một khoảng thời gian dài hơn so với khả năng đáp ứng nhu cầu gọi vốn của các công ty Startup.
Thứ hai, nếu Chính phủ muốn kêu gọi vốn đối ứng từ tư nhân và nước ngoài, hai đối tượng này sẽ không thể đưa tiền cho Chính phủ của một quốc gia quản lý, và đòi hỏi cần phải có một bên thứ ba chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ nguồn vốn đầu tư này, thường là các quỹ đầu tư tư nhân.
Thứ ba, đầu tư mạo hiểm là một ngành công nghiệp trong nền kinh tế.
Mỹ, từ năm 1973, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Quốc gia (National Venture Capital Association viết tắt là NVCA) đã được thành lập bởi các nhà đầu tư mạo hiểm hàng đầu, được phục vụ như là một nhóm thương mại công nghiệp cho ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm.
Nếu xét đến hiệu quả lợi nhuận của việc đầu tư, chúng ta sẽ nhìn vào các con số được và mất của các hệ sinh thái khác. Tại Mỹ hàng năm có khoảng 0,03% GDP được sử dụng để đầu tư vào Startup nhưng các doanh nghiệp đã từng nhận được vốn đầu tư mạo hiểm trong quá khứ hiện nay đang đóng góp 28% GDP cho toàn nước Mỹ.
Tất nhiên con số 0,03% này không phải là toàn bộ sử dụng từ ngân sách công nhưng chúng ta có thể tính một ví dụ cực đoan là toàn bộ con số này là ngân sách công và toàn bộ các doanh nghiệp ở Mỹ hiện tại đã từng được đầu tư mạo hiểm phá sản thì Mỹ cũng vẫn phải đầu tư mất tiền trong vòng 993 năm tới mới bắt đầu “lỗ vốn”.
Hàn Quốc, trước khi giao vốn đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư, Chính phủ Hàn Quốc đã từng thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm riêng của Chính phủ (Government Venture Capital viết tắt là GVC). Tuy nhiên, các quỹ này hoạt đông kém hiệu quả trong việc tư vấn và bổ sung giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Lý do thứ nhất đến từ động lực quản lý do gánh nặng tài chính đối với sự thất bại đầu tư của các quỹ này và của người quản lý quỹ thấp hơn so với các quỹ đầu tư tư nhân.
Lý do thứ hai là khả năng thẩm định các công ty để đầu tư, các quỹ đầu tư của Chính phủ thường có xu hướng chọn các công ty đã được các quỹ đầu tư tư nhân đầu tư hoặc các công ty đã có những thành công nhất định, do trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư, các công ty còn non trẻ hơn rất khó đánh giá được về những tiềm năng chuyên môn cần thiết như công nghệ, kinh nghiệm, mối quan hệ, thông tin…
Chính vì sự kém năng suất và kém hiệu quả trong hoạt động của các GVC này mà Chính phủ Hàn Quốc đã chuyển hướng rót tiền vào các quỹ đầu tư tư nhân có chuyên môn và để các quỹ này chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn đầu tư của mình.
Còn tiếp...