Bộ Tài chính kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Hằng Hà 27/09/2019 00:00

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối của năm 2019, các đơn vị cần theo dõi sát tiến độ từng dự án, kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019”

Phát biểu tại “Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019” ngày 26/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đề xuất nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2019 khó khăn, dẫn tới giải ngân chậm. Trong đó, nguyên nhân khách quan đến từ các quy định của pháp luật hiện hành như: quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và việc giao kế hoạch vốn còn chưa phù hợp; thủ tục điều chỉnh kế hoạch còn thiếu linh hoạt...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định: “Phần lớn vẫn xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan như việc chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án chưa kỹ càng, làm dự án rất nhanh, thông qua rất nhanh nhưng khi triển khai dự án lại vướng mắc. Thứ hai là tính chủ động quyết liệt của các bộ ngành địa phương, chủ dự án còn thấp, năng lực của nhà thầu và ban quản lý dự án còn hạn chế…”.

Có thể bạn quan tâm

  • 4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công

    4 hậu quả lớn do chậm giải ngân vốn đầu tư công

    14:17, 26/09/2019

  • Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Cần tháo gỡ chính sách mang tính xương sống!

    Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Cần tháo gỡ chính sách mang tính xương sống!

    05:05, 15/09/2019

  • Phải giải trình nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công?

    Phải giải trình nếu chậm giải ngân vốn đầu tư công?

    18:48, 19/08/2019

  • Quảng Ngãi: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

    Quảng Ngãi: Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

    00:26, 21/07/2019

  • Phải tạo ra chuyển biến căn bản trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công

    Phải tạo ra chuyển biến căn bản trong hoạt động giải ngân vốn đầu tư công

    14:00, 18/07/2019

  • Nguyên nhân nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?

    Nguyên nhân nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công?

    15:05, 01/06/2019

Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy giải ngân thông qua việc ban hành các Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành và gần đây là Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư để phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi với nguyên tắc thanh toán trước, kiểm soát sau; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán từ 7 ngày xuống còn 3 ngày làm việc,…

Bộ Tài chính đã có các văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương triển khai việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án; nhập hết kế hoạch vốn đầu tư lên hệ thống Tabmis để làm cơ sở kiểm soát, thanh toán vốn ngay từ đầu năm 2019. Bộ Tài chính cũng đã tổ chức các Hội nghị, Tọa đàm với Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án… nhằm tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp về giao vốn, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định vay, tiến độ rút vốn...

Theo đánh giá của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua đã có chuyển biến nhưng vẫn còn rất chậm. “Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong những tháng cuối của năm 2019, đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa để triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị thực hiện dự án, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; Tích cực thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công - dự toán; Xây dựng quy chế báo cáo giải ngân của từng dự án để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiến độ giải ngân…”- Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng, tính sẵn sàng trong khâu chuẩn bị các dự án sử dụng vốn ngoài nước. Cơ quan chủ quản chủ động cùng các cơ quan có liên quan giải quyết các vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế; Hoàn hiện hồ sơ để ký kết hợp đồng cho vay lại; Làm ngay thủ tục kiểm soát chi, gửi đơn rút vốn để Bộ Tài chính kịp thời gửi nhà tài trợ; Theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Các cơ quan cho vay lại đặc biệt là Ngân hàng phát triển Việt Nam phối hợp với các cơ quan chủ quản và chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc về thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, ký hợp đồng cho vay lại.

Bộ Tài chính sẽ đánh giá sau 1 năm triển khai Luật Quản lý nợ công để rà soát lại cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện trong đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước vốn nước ngoài.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giao hết kế hoạch năm 2019; Đánh giá khả năng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2019 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc quyết định theo thẩm quyền phương án điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ thực hiện sang dự án khác có nhu cầu, giải ngân tốt.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; Đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn vốn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 ước đạt trên 192 nghìn tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp.

Hiện có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%; trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Hằng Hà