Vì sao giáo dục nghề nghiệp "đuối sức"?

Nguyễn Việt 30/09/2019 18:57

Giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để "đảm đương" trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh tại một hội thảo với chủ đề phát triển mô hình giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế được tổ chức cách đây không lâu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng,Giáo dục nghề nghiệp phải là “đòn bẩy” hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Nguyễn Việt

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giáo dục nghề nghiệp phải trở thành “đòn bẩy” để hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Nguyễn Việt

Trong bối cảnh toàn cầu hoá, chủ trương này càng được thể hiện mạnh mẽ để giáo dục và đào tạo thực sự là đòn bẩy của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời là tiền đề quan trọng để tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế, thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. “Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Để tạo điều kiện cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp phát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội Khóa 11 thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. 

 Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xác định giá trị cốt lõi: “chất lượng đào tạo là danh dự và thương hiệu của nhà trường”.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xác định giá trị cốt lõi: “chất lượng đào tạo là danh dự và thương hiệu của nhà trường”.

Nhờ đó, đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo, qua đó, đóng góp đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Triển khai tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như hợp nhất các trình độ đào tạo; Đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và của xã hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức – giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh. 

Tuy nhiên, đánh giá về phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện nay, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng, giáo dục nghề nghiệp dường như vẫn bị tách rời khỏi hệ thống giáo dục quốc dân do những bất cập về chính sách đầu tư, về tư duy quản lý khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rơi vào tình trạng phải tham gia “cuộc đua” không công bằng.

"Hiện nay phát triển giáo dục nghề nghiệp đang bị tách rời ra khỏi hệ thống giáo dục cả nước. Các trường phải tìm mọi cách lôi kéo sinh viên nghề. Dữ liệu học sinh phổ thông tốt nghiệp đăng ký, Bộ GD-ĐT làm riêng, hệ thống phát triển giáo dục nghề nghiệp làm riêng, không chia sẻ cơ sở dữ liệu. Chương trình đào tạo chạy riêng rẽ như vậy thì làm sao liên kết được với nhau?", ông Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ TB&XH đánh giá, cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp chưa hợp lý hiện nay cũng là điểm hạn chế phải suy nghĩ. Đào tạo sơ cấp, ngắn hạn chiếm 75%, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25% trong tổng số tuyển sinh. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.

Nguyễn Việt