Đảng viên nữ người dân tộc (KỲ II): Tiên phong phát triển kinh tế
Đảng viên nữ người dân tộc là một nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thay đổi nhận thức về bình đẳng giới vùng cao.
Mù Cang Chải là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, có trên 62.000 người; với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm đến 91%. Trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của bà con không đồng đều, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu trong lao động sản xuất, đời sống tinh thần.
Có thể bạn quan tâm
Gỡ “nút thắt”
Hiện nay, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải có 31 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc huyện uỷ, trong đó có 19 Đảng bộ, 12 Chi bộ. Tổng số chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở là 157 Chi bộ, tổng số Đảng viên là 2.724. Trong đó, tỷ lệ Đảng viên là nữ trong tổng số Đảng viên toàn huyện là 682/2.724 đồng chí, chiếm 25%; Đảng viên trẻ 588/2.724, chiếm 21,9%.
Nhìn vào con số 25% Đảng viên nữ được kết nạp, đồng chí Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải thừa nhận nguyên nhân không có nguồn kết nạp do đặc thù của huyện vùng cao, dân tộc thiểu số chiếm đa số dân cư, phong tục tập quán sinh hoạt, nhận thức về bình đẳng giới còn nhiều hạn chế, tình trạng tảo hôn, vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình còn cao.
“Huyện đã đưa ra nhiều biện pháp để tìm nguồn và bồi dưỡng kết nạp đảng viên nữ tại các chi bộ thôn, bản thậm chí là vận động họ đi học lớp cảm tình đảng, tạo điều kiện hết sức cho công tác phát triển đảng viên nữ, nhưng kết quả vẫn rất khiêm tốn” – ông Yên cho biết.
Đồng chí Nông Việt Yên nhấn mạnh, nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 về công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng số lượng, nâng cao chất lượng đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ đồng bào dân tộc vùng nông thôn, thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, hội viên và quần chúng nhân dân về vị trí, tầm quan trọng, vai trò của công tác phát triển đảng viên.
Hàng năm ban hành kế hoạch phát triển Đảng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng tổ chức Đảng, trong đó có chỉ tiêu kết nạp đảng viên là nữ nông thôn, Đảng viên là đoàn viên thanh niên và đưa ra các giải pháp cụ thể phát triển Đảng đảm bảo kế hoạch đề ra.
Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đổi mới phương pháp hoạt động nhằm thu hút hội viên, đoàn viên tham gia, phát động các phong trào thi đua yêu nước để từ đó phát hiện, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, tiêu biểu, tạo nguồn kết nạp vào Đảng. Làm tốt việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, lấy kết quả phát triển đảng viên nữ là một tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hàng năm…
“Hơn ai hết, chính những Đảng viên nữ phải là "hạt nhân” trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thực hiện các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, luôn sát cơ sở để chị em được "mắt thấy tai nghe”, tin tưởng, học tập và làm theo” – ông Yên khẳng định.
Phát huy vai trò chủ lực
Cùng với việc nâng cao số lượng Đảng viên nữ tham gia làm kinh tế, mới đây, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã ban hành kế hoạch số 186-KH/HU ngày 10/6/2019 của Huyện uỷ về phát động và triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” trên địa bàn huyện đã thu hút trên 3.609 lượt cán bộ, công chức, viên chức; trên 11.701 lượt nhân dân hưởng ứng.
Theo đó, Huyện ủy phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ đảng viên, đặc biệt là các đồng chí cấp ủy và các cơ quan ban, ngành phụ trách từng xã, từng thôn bản để dành ít nhất 2 ngày cuối tuần, trong mỗi tháng đến với bà con để tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nắm bắt kịp thời tình hình, tâm tư nguyện vọng của bà con, cùng bà con tháo gỡ những khó khăn, bức xúc; hỗ trợ phát triển kinh tế, đổi mới tập quán canh tác, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…
Đồng chí Nông Việt Yên cho biết, đây là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện của bệnh quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân với phương châm "Sẵn sàng, chủ động đối thoại với nhân dân, lắng nghe dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có uy tín, năng lực, gắn bó mật thiết với nhân dân.
“Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, năm nào cũng có hàng nghìn đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân tham gia khai hoang, mở rộng hàng chục ha ruộng bậc thang, làm tăng diện tích đất sản xuất, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đồng thời tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện, giúp thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ” – Đồng chí Nông Việt Yên chia sẻ.
Kết quả đáng tự hào
Nhờ hành động kịp thời, theo báo cáo của UBND huyện Mù Cang Chải, trong 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp – thuỷ sản đạt 356 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 9 tháng đạt 255,96 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 189,68 tỷ đồng; tỷ lệ giảm nghèo đạt 11,04%. Cán bộ Đảng viên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập 263 tổ hợp tác giúp nhau làm kinh tế; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ thành lập mới 7 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp huyện. Do vậy, chỉ số thu hút đầu tư huyện Mù Cang Chải đứng đầu trong tỉnh, trong 9 tháng đầu năm đã có 7 dự án khảo sát đầu tư vào du lịch, tổng vốn đầu tư trên 1.478 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện chủ trương phát triển sản phẩm và thương hiệu du lịch gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành nghề về du lịch, các ngành nghề truyền thống góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm... Đồng thời, phát triển chuỗi liên kết giá trị trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, nhất là trong nuôi trồng và chế biến dược liệu... tạo chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, Mù Cang Chải có trên 400 mô hình kinh tế tiêu biểu, phần lớn do các Đảng viên nữ tiên phong. Hội phụ nữ huyện cũng phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, triển khai thí điểm nhiều mô hình sản xuất cho hội viên. Bên cạnh đó, để giúp hội viên có vốn đẩy mạnh sản xuất Hội cũng đã tiếp cận nhiều nguồn vốn lãi suất ưu đãi.
“Có vốn, có giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật sản xuất, các hội viên phụ nữ đã phát huy tiềm năng thế mạnh ở địa phương, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất. Nhiều địa phương đã dẫn đầu về phong trào Đảng viên nữ làm kinh tế giỏi; qua đó phát huy vai trò của Đảng viên nữ trong phát triển kinh tế, góp phần đẩy lùi đói nghèo ở địa phương” - Chị Sa Thị Ngần, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải khẳng định.