Đà Nẵng đề nghị được thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị
TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của chính chuyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị để lấy ý kiến xây dựng Đề án thí điểm.
Thành phố Đà Nẵng sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị Khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển, thành phố Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn và nảy sinh nhiều áp lực về chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư; quản lý hệ thống hạ tầng và cải thiện môi trường đô thị; phát triển thị trường lao động, tài chính, bất động sản, khoa học - công nghệ; cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp…
Tại hội thảo, các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý đã cùng thảo luận, trao đổi, đề xuất ý kiến xoay quanh các nội dung như: Thực trạng tổ chức, hoạt động chính quyền các cấp trong thời gian qua; cơ sở lý luận và thực tiễn, những thách thức và cơ hội, điều kiện thí điểm xây dựng chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng; định hướng, phương án, kiến nghị đổi mới về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền đô thị thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; tổ chức chính quyền trong điều kiện đô thị hóa trên địa bàn huyện Hòa Vang...
Trong đó, hạn chế, bất cập của mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó có thể đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại đô thị trong thời kỳ hội nhập, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy; phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý, ủy quyền trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đối tượng, đặc thù quản lý ở đô thị và quá trình đô thị hóa ở khu vực nông thôn đang thay đổi nhanh chóng. Những tồn tại, hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả quản lý và hoạt động của chính quyền các cấp của thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói rằng: “Thí điểm chính quyền đô thị quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; hoàn thiện thêm một bước cơ sở lý luận khoa học pháp lý về chính quyền địa phương theo hướng phân biệt rõ sự khác biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Mục tiêu chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp của thành phố, phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất đặc thù của đô thị loại I thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại.”
Tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh - Phó viện trưởng Viện khoa học tổ chức nhà nước cho rằng: Các đô thị đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng trong hệ thống các đơn vị hành chính trên nhiều lĩnh vực; tỷ trọng đóng góp của các đô thị cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân ngày càng lớn và luôn ở mức cao. Sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô cùng với xu hướng liên kết giữa các đô thị trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu giải quyết cả về chiến lược, chính sách phát triển; về nội dung, phương thức quản lý đô thị cũng như về mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy các đô thị phát triển nhanh, bền vững.
“Sự phát triển nhanh chóng của các đô thị ở nước ta đang đặt ra những yêu cầu mới về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp. Quá trình đô thị hóa ở nước ta đã và đang diễn ra nhanh chóng; nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hạ tầng đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, chống ùn tắc giao thông, quản lý dân cư và trật tự an toàn xã hội... luôn đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Chính sự phức tạp, đa dạng về hoạt động kinh tế - xã hội của đô thị ngày càng tăng đòi hỏi tổ chức, hoạt động phải mang tính tập trung, thống nhất, thông suốt, không thể bị cắt khúc theo lãnh thổ hành chính như ở nông thôn.” – bà Hạnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 1000 doanh nhân từ ba miền đất nước chào cờ dưới tượng đài Mẹ Việt Nam tại Đà Nẵng
14:31, 05/10/2019
Đà Nẵng sẽ miễn phí cho Startup tham gia Triển lãm khởi nghiệp SURF 2019
15:44, 02/10/2019
Đà Nẵng tổ chức Ngày hội Sữa học đường cho trẻ em mầm non
17:32, 29/09/2019
Đà Nẵng: 80% rạn san hô đang trong diện cảnh báo vì rác thải nhựa
00:00, 29/09/2019
Với những ý kiến xác thực, tâm huyết, hội thảo nhằm tạo cơ sở để chính quyền TP Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị; từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp, phù hợp với đặc điểm, quy mô, tính chất đặc thù của đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại.