Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Thực trạng và giải pháp

Cẩm Anh 12/10/2019 17:18

Hiện nay, việc quản lý ô nhiễm là vấn đề được đặt lên hàng đầu của các đô thị trên thế giới, trong đó có Hà Nội.

Tọa đàm

Các diễn giả tại tọa đàm Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí” 

Thực trạng ô nhiễm

Có thể thấy, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Hà Nội đã trở thành đô thị loại đặc biệt của Việt Nam, cùng với đó là việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa đã khiến Hà Nội đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), từ giữa tháng 9 đến nay, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn ở mức thấp, liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kì các năm từ 2015 - 2018. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ô nhiễm không khí: Thay vì hoài nghi AirVisual, cần bắt tay vào hành động

    Ô nhiễm không khí: Thay vì hoài nghi AirVisual, cần bắt tay vào hành động

    05:00, 11/10/2019

  • Cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí

    Cần một “chương trình quốc gia” về xóa bỏ ô nhiễm không khí

    05:19, 04/10/2019

  • Ô nhiễm không khí và trách nhiệm bị... lãng quên!

    Ô nhiễm không khí và trách nhiệm bị... lãng quên!

    05:35, 02/10/2019

  • Lần đầu tiên Hà Nội công bố cụ thể 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

    Lần đầu tiên Hà Nội công bố cụ thể 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

    05:05, 02/10/2019

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, nhiều dữ liệu đo chất lượng không khí cho thấy chất lượng không khí nửa cuối tháng 9 vừa qua kém đi rất nhiều so với cùng kỳ vài năm trước. .

Tại Tọa đàm với chủ đề “Hà Nội - Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí” do L’Espace phối hợp với Trung tâm Sống Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Lean) cùng Công ty Cổ phần Văn Hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí, và sức khỏe người dân đang bị ảnh hưởng.

Theo đó, hiện tượng ô nhiễm không khí ở thủ đô chủ yếu do bụi từ nguồn phát thải dân sinh, phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng các công trình. Việc ô nhiễm trở nên trầm trọng do vào thời gian này hằng năm thường xuất hiện hiện tượng nghịch nhiệt, kết hợp với mật độ cao các công trình bê tông khiến cho các thành phần ô nhiễm trong không khí không khuếch tán được lên cao.

Bà Karine Leger, giám đốc mạng lưới quản lý chất lượng không khí Paris AirParif nhận định, việc Hà Nội nói riêng và các thành phố hiện đại đối mặt trước thực trạng ô nhiễm không khí có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. 

"Vấn đề đầu tiên do ô nhiễm không khí gây ra là sức khoẻ con người. Theo thống kê, có khoảng 8 triệu ca chết sớm do ô nhiễm không khí trên thế giới mỗi năm. Vấn đề thứ hai là ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, góp phần gây biến đổi khí hậu và thứ ba là các vấn đề pháp lý, khi có nhiều công dân hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Paris từng kiện chính quyền vì ô nhiễm không khí", bà Karine đánh giá.

Chuyên gia này cũng khẳng định, tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay như phần nổi của tảng băng chìm, không chỉ diễn ra trong vài ngày hay vài tuần mà luôn tiềm ẩn mọi thời điểm. Mặc dù vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu diễn ra ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, nhưng những khu vực phát triển như thủ đô Paris của nước Pháp cũng phải hứng chịu tình trạng này.

Kinh nghiệm từ Paris

Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề ô nhiễm không khí, thời gian vừa qua, các tổ chức tại Hà Nội như Sở TN&MT, các tổ chức phi chính phủ như Live&Lean, GIZ…đều đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm thay đổi chất lượng không khí Hà Nội ngày một tốt hơn.

Cụ thể, theo bà Lê Thanh Thủy - Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông Sở TN&MT Hà Nội, chính quyền thành phố đã lắp đặt thêm các trạm cảm biến quan trắc chất lượng không khí trên địa bàn thành phố; hạn chế sử dụng bếp than tổ ong; hạn chế đốt rơm rạ; xây dựng các đề xuất nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay thế xăng A92 bằng xăng E95; xây dựng mô hình sân chơi tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo.

Đồng thời, các chương trình truyền thông - giáo dục tại trường học, cộng đồng cũng được tăng cường nhằm giúp công chúng hiểu rõ về chất lượng không khí và các hành động cần thiết.

Ông Olivier Chretien, trưởng phòng Tác động Môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô thị thành phố Paris cũng cho rằng việc xác định được nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là vấn đề cốt lõi trong việc giúp chính quyền Paris đưa ra các giải pháp phù hợp.

Với trường hợp của Thủ đô Paris Pháp, ông Olivier thông tin, sau khi xác định được nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí đến từ giao thông, thành phố đã tập trung vào các biện pháp như giảm lưu lượng phương tiên lưu thông, đồng thời kiểm soát và cắt giảm tối đa lượng khí thải độc hại phát ra từ các phương tiện bằng cách đánh số từ 1 đến 5 cho mức độ phát thải của phương tiện.

Paris cũng cải tạo 7 quảng trường lớn trong thành phố, triển khai một mạng lưới tàu điện mới ở khu vực vành đai, đảm bảo xe bus và bus nhanh đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

"Ở Paris, cứ 500 mét lại có một bến tàu điện ngầm và điều này đã được thực hiện trong suốt nửa thế kỷ qua. Các vấn đề quy hoạch kiến trúc cũng nhằm đảm bảo nhu cầu di chuyển sao cho thuận lợi nhất của người dân", Chretien cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, không chỉ các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội… mà ngay cả những người dân Hà Nội cũng cần hiểu và chủ động hơn trong việc tham gia vào các công tác bảo vệ bầu không khí chung của Hà Nội, đồng thời cam kết và thực hiện đúng theo những quy định của pháp luật, ngay từ những việc nhỏ nhất. 

Cẩm Anh