Thủ tướng cắt băng thông xe cây cầu vòm nhịp lớn nhất Việt Nam

Đức Tâm 15/10/2019 10:30

Cầu Hoàng Văn Thụ - cây cầu có kiến trúc độc đáo lấy ý tưởng từ "Cánh chim biển" và cùng là cây cầu vòm nhịp lớn nhất Việt Nam chính thức được thông xe kỹ thuật vào sáng 15/10.

Sáng 15/10 tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ - cây cầu có kiến trúc độc đáo lấy ý tưởng từ "Cánh chim biển". Đây cũng là cây cầu vòm nhịp lớn nhất Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về phía Bắc sông Cấm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việc hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về phía Bắc sông Cấm.

Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình giao thông cấp đặc biệt. Cầu có chiều dài 1.570 m, nhịp chính dài 290 m, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, được thi công trong thời gian ngắn 33 tháng. Cầu kết nối trung tâm Hải Phòng với Khu đô thị mới Bắc sông Cấm.

Đây là dạng cầu vòm chạy giữa ống thép nhồi bê tông, nhịp chính 200 m là nhịp cầu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Công trình cầu có kết cấu phức tạp, lần đầu tiên áp dụng công nghệ thiết kế tiên tiến, hiện đại. Phần cầu chính kết cấu thép nặng hơn 5.000 tấn (đốt vòm hợp long nặng 527 tấn).

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng khánh thành tuyến đường vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng

    13:22, 13/10/2019

  • Xây dựng đường giao thông từ phế liệu nhựa đầu tiên tại Hải Phòng

    00:00, 29/09/2019

  • Ông Chu Văn Phương - Tổng Giám đốc Nhựa Tiền Phong: Mong muốn là “bệ đỡ” cho startup Hải Phòng

    14:14, 25/09/2019

  • Loay hoay quy hoạch cảng Hải Phòng

    11:00, 25/09/2019

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới về phía Bắc sông Cấm, là tiền đề thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị là đến năm 2025 hoàn thành việc di chuyển Trung tâm Hành chính Thành phố sang phía bắc sông Cấm cũng như từng bước hoàn thiện trung tâm Thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Thủ tướng, việc mở rộng không gian là điều cần thiết của đô thị Hải Phòng đang phát triển mạnh mẽ. Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông là chủ trương quan trọng mà thời gian gần đây Thành phố Cảng thực hiện nghiêm túc.

Cầu Hoàng Văn Thụ hoàn toàn do Việt Nam thiết kế, thi công, cho thấy sự lớn mạnh nhanh chóng của đội ngũ công nhân kỹ thuật trong nước. Chỉ trong vòng trên 2 năm đã thi công khối lượng lớn, đạt yêu cầu kỹ thuật cao. Thủ tướng cho rằng không khí phát triển của Hải Phòng rất đáng mừng, là dấu ấn mạnh mẽ của Thành phố biển đang vươn lên.

Tại buổi lễ, Thủ tướng cũng ghi nhận sự hy sinh, đóng góp của người dân trong khu vực đã dành mặt bằng cho việc xây dựng cây cầu. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho thành phố Hải Phòng khai thác, phát huy tốt hiệu quả cầu Hoàng Văn Thụ, sớm hoàn tất việc xây dựng hạ tầng khu đô thị mới Bắc sông Cấm để mở rộng, phát triển thành phố Hải Phòng sang phía Bắc. 

Cầu Hoàng Văn Thụ trong ngày thông xe.

Cầu Hoàng Văn Thụ trong ngày thông xe.

Trao đổi với báo chí, ông Nhữ Đình Văn, Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Hoàng Văn Thụ (nhà thầu CIENCO1) cho biết, công trình được khởi công xây dựng vào 6/1/2017, đến nay đã thi công xong, đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 15/10/2019.

Theo ông Văn, điểm nổi bật nhất của cầu Hoàng Văn Thụ là cầu chính có kiến trúc độc đáo được lấy ý tưởng từ “cánh chim biển” với khẩu độ 45+200+45m, bề rộng cầu chính 33,5m, gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe tải trọng nhỏ và thô sơ, hệ thống vỉa hè, lan can hoàn chỉnh.

“Vòm chính kết cấu ống thép nhồi bê tông nhịp 200m là vòm nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay, hai vòm biên nhịp 45m kết cấu bê tông cốt thép, với tổng khối lượng vòm thép nặng 2.000 tấn. Cầu vòm được thiết kế xe chạy giữa, cầu dẫn phía Nam thiết kế vòng xoay hai tầng tạo ra một điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hải Phòng”, ông Văn nói và cho biết.

Trong quá trình thi công, liên danh nhà thầu đã huy động nhiều thiết bị đặc chủng như: Sà lan 4.700 tấn, cẩu 550 tấn đặt trên sà lan, các bộ kích rút đặc chủng,… Khi xây dựng công trình, nhiều đột phá về công nghệ làm cầu lần đầu tiên được các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Đầu tiên là việc nâng và lắp đặt đốt vòm số 5, đốt vòm có kích thước 86m (dài) x 22m (rộng), nặng 527 tấn, được gia công và tổ hợp tại nhà máy LISEMCO cách công trình khoảng 5 km, được hạ xuống sà lan 4.700 tấn và đưa về công trình bằng 5 tầu lai dắt cỡ lớn.

“Chúng tôi đã sử dụng 4 bộ kích rút 180 tấn của Ý để nâng đốt vòm số 5 lên vị trí lắp đặt. Đây là công việc rất khó khăn, lần đầu tiên tại Việt Nam đã nâng thành công một đốt vòm nặng 527 tấn lên chiều cao 50m”, ông Văn nói.

Đức Tâm