“Đã phát hiện những việc cố ý làm trái pháp luật trong cổ phần hoá, thoái vốn DNNN”

Thy Hằng 16/10/2019 10:00

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, bước đầu đã phát hiện những việc cố ý làm trái chủ trương, chỉ đạo, trái quy định của pháp luật trong CPH, thoái vốn các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN.

Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), diễn ra sáng 16/10, Người đứng đầu Chính phủ sẽ đánh giá tình hình cổ phần hoá (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp, kết quả làm ăn kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, DNNN.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng ngày 16/10.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sáng ngày 16/10.

Vướng mắc thể chế và thực hiện

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, công tác CPH, thoái vốn, sắp xếp các Tập đoàn, TCT, DNNN vướng mắc cả về thể chế và thực hiện.

Điển hình là bất cập trong vấn đề điều chỉnh phương án sử dụng đất. Các doanh nghiệp như VNPT, Agribank, Vinafood 1 bị ách tắc. Trong đó có việc phê duyệt phương án sử dụng đất đai. Ví dụ như VNPT, Agribank có nhiều chi nhánh ở tỉnh, thành phố mà chỉ cần 1 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt phương án sử dụng đất đai là sẽ bị ách tắt hết.

“Có những tập đoàn, tổng công ty, DNNN có đất đai trải dài trên cả 63 tỉnh như Agribank chỉ cần một tỉnh không phê duyệt phương án sử dụng đất đai là quá trình cổ phần hóa sẽ ách tắc”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Phó Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại công văn 4544/BTC-TCDN. Công văn này yêu cầu tất cả đất đai trong 1 Tập đoàn, TCT có vốn nhà nước trên 51% phải rà soát phươn án sử dụng đất. Phó Thủ tướng đặt vấn đề về cơ sở pháp lý của văn bản này? Có cần một Luật riêng hay không?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết công tác cổ phần hoá, thoái vốn DNNN vướng mắc cả về thể chế và thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng cho biết vướng mắc về xác định “giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa…” của các DNNN trong quá trình cổ phần hóa.

Đặc biệt Phó Thủ tướng đề nghị nghiêm túc xem xét quá trình cổ phần hoá, thoái vốn, sắp xếp DNNN ở các thành phố lớn còn chậm.

Về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN, vấn đề này luôn được Thủ tướng yêu cầu phải công khai, minh bạch, tôn trọng pháp luật nhưng bước đầu đã phát hiện thoái vốn có tình trạng cố ý vi phạm. 

“Dù Thủ tướng đã yêu cầu công khai minh bạch hoạt động CPH, thoái vốn, đặt lợi ích lên trên hết. Nhưng bước đầu đã phát hiện những việc cố ý làm trái chủ trương, chỉ đạo, trái quy định của pháp luật”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định vướng mắc cơ chế là quan trọng nhưng Phó Thủ tướng cũng đồng thời cho rằng vai trò người đứng đầu cũng hết sức quan trọng.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp nhà nước và cơ chế thị trường

    Doanh nghiệp nhà nước và cơ chế thị trường

    06:10, 16/10/2019

  • Cổ phần hoá DNNN: Lận đận và truân chuyên

    Cổ phần hoá DNNN: Lận đận và truân chuyên

    11:00, 15/10/2019

Khó hoàn thành mục tiêu CPH, thoái vốn năm 2020

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định 707/QĐ-TTg thì các cơ quan, đơn vị sẽ phải thực hiện xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 DNNN.

Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Lũy kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2019, đã có 168 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.694 tỷ đồng. 

Về tình hình thực hiện thoái vốn, lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước đã thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng. 

Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018 có 502 DNNN, theo đó tổng vốn chủ sở hữu tăng 5%, tổng tài sản tăng 2%, tổng doanh thu tăng 9%, nộp ngân sách Nhà nước tăng 5% so với thực hiện năm 2017.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương đã đạt được một số tín hiệu tốt.

Theo đó, đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi; 4 dự án còn đang thua lỗ đã từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ. Với 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất thì đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại, 2 dự án đã đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất; 3 dự án xây dựng dở dang đang được tiếp tục xử lý.

Điều đáng nói, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá sẽ là khó khăn với mục tiêu CPH, thoái vốn DNNN năm 2020. Theo đó, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh  nghiệp. Qua số liệu trên cho thấy tình hình thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm.

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2020 là: TP. Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TPHCM cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công Thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (3 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.

Tính đến ngày 30/9/2019, đã có 148 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại theo Quyết định số 707. “Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378, chiếm 71%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

“Sẽ rất khó khăn với mục tiêu CPH, thoái vốn với số vốn 45.000 tỷ đồng của năm 2020 nếu không quyết liệt ngay từ bây giờ. Phải thực hiện đẩy mạnh CPH, thoái vốn từ nay đến tháng 6/2020 đạt 45.000 tỷ đồng này để đảm bảo nguồn ngân sách 5 năm”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.

Thy Hằng