Cần một thể chế vượt trội để TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế!
Sáng 18/10, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh năm 2019 đã chính thức khai mạc với chủ đề "Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế".
Huy động các nguồn lực xã hội làm nền tảng
Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Văn Hải, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh và hơn 800 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự; lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế (IMF, IFC, ADB...), và gần 30 diễn giả trong và ngoài nước, các chuyên gia tài chính, đại diện lãnh đạo các Trung tâm tài chính trên thế giới, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho biết: mục tiêu quan trọng của Diễn đàn năm nay là cung cấp các yếu tố đầu vào giúp TP.HCM sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để TP. Hồ Chí Minh lắng nghe các ý tưởng mới, tiếp thu các góp ý, phản biện của các diễn giả nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã ấp ủ cách đây gần 20 năm.
Theo ông Phong, thị trường tài chính có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Đây còn là nhân tố cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hầu hết các đô thị trên thế giới, tại NewYork dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng 46% trong tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế, tại London (Anh) là 42%, tại Thượng Hải (Trung Quốc) là 27% và tại Singapore là 29%.
"Mô hình tăng trưởng của các đô thị phần lớn dựa vào thị trường tài chính và việc hình thành nên một Trung tâm tài chính quốc tế là xu thế tất yếu của thời đại, là quá trình bắt buộc phải trải qua khi trở thành thành phố toàn cầu", Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Đối với TP.HCM, ngay từ năm 2002, nhằm bắt kịp với xu thế thời đại, Thành phố đã có khát vọng trở thành Trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập tại TP.HCM.
Tuy nhiên, ông Phong cũng nhận định, việc trở thành Trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn do Thành phố có điểm xuất phát thấp. Trong số 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, có hơn 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa; bình quân cứ 5 năm dân số Thành phố tăng thêm 1 triệu người, trong khi mật độ đường giao thông, nhà ở không theo kịp. Không những thế, tỷ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại giảm từ mức 26% giai đoạn 2007 - 2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017 - 2020.
Do đó, ông Phong cho rằng, quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính còn chậm, quy mô thị trường chứng khoán còn nhỏ so với các đô thị trong khu vực, tỷ trọng vốn hóa của thị trường chứng khoán trên GRDP của Thành phố còn thấp, mới đạt 52%, trong khi tại Singapore là 243%, tại Kula Lumpur (Malaysia) là 143%, tại Bangkok (Thái Lan) là 120% và tại Manila (Philippines) là 92%…
Vì vậy, theo ông Phong, những điều này làm cho tình trạng khan hiếm nguồn lực phát triển vốn đã khó khăn càng trở nên trầm trọng, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, cơ sở hạ tầng quá tải và xuống cấp, môi trường sống trở nên ô nhiễm và thiếu an toàn.
Mặc dù vậy, người đứng đầu UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, những hạn chế đó không làm Thành phố chùn bước mà càng thôi thúc Thành phố mơ ước và khát vọng cao hơn để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Hơn nữa, theo ông Phong, khi Thành phố tiến lên thì các đô thị khác khác cũng tiến lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. "Do vậy, với ý chí kiên cường, tinh thần năng động sáng tạo, Thành phố tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn, đặc biệt là phải đổi mới sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn để tích lũy tài lực, nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành Trung tâm tài chính quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Thông qua Diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố mong nhận được góp ý của các diễn giả đối với việc phát triển TP.HCM trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
"Ngoài 5 yếu tố cốt lõi của Trung tâm tài chính đã đề ra trong Đề cương là môi trường kinh doanh; nguồn vốn con người; cơ sở hạ tầng; mức độ phát triển của ngành tài chính; danh tiếng của địa phương, TP.HCM hy vọng quý vị tiếp tục phân tích, làm rõ hơn nội lực của Thành phố hiện nay, đồng thời giúp Thành phố tìm con đường ngắn nhất để trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", ông Phong nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Phong, Thành phố cũng hy vọng được Chính phủ xem xét đưa Đề án phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trở thành Đề án trọng điểm quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết giúp Thành phố thực hiện thành công Đề án, đồng thời đây còn là cơ sở quan trọng để Thành phố chuyển từ mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Thành phố còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn lực đất đai.
Xóa lối mòn truyền thống
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (Đại học Fulbright) cho rằng có một thực tế không thể phủ nhận là tỷ lệ ngân sách mà TP.HCM được giữ lại ngày càng giảm, từ đó làm giảm động lực phát triển của địa phương, dẫn đến thực trạng vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng giảm. Trong khi đó, vị thế của TP.HCM trong chiến lược tổng thể phát triển hệ thống tài chính nói chung và thị trường tài chính nói riêng của Việt Nam khó tách rời.
Các chính sách thuế và phí (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính…) đều ở tầm quốc gia, nhưng nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM chi 100 tỷ xây Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo
04:03, 07/10/2019
Trí tuệ nhân tạo có thể giải bài toán ngập lụt, kẹt xe cho TP.HCM?
16:29, 25/09/2019
Diễn đàn Kinh tế Bắc Trung Bộ lần thứ Nhất: Vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng bắc trung bộ
10:50, 17/10/2019
18/10: Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019
13:03, 08/10/2019
Tháng 6/2019: Diễn đàn kinh tế Việt kiều toàn cầu lần thứ I sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc
16:06, 01/05/2019
Diễn đàn kinh tế khu vực Duyên hải phía Bắc 2019: Hiện thực hóa lợi thế khu vực
06:01, 01/04/2019
Đặc biệt, đồng tiền Việt Nam chưa có khả năng chuyển đổi và tài khoản vốn chưa được tự do hóa. Để việc định hướng phát triển dịch vụ tài chính và dịch vụ kinh doanh cho Trung tâm tài chính của thành phố phục vụ vùng Nam bộ và quốc gia, từ đó tiến ra khu vực và thế giới, ông Tự Anh khuyến nghị TP.HCM cần một cách tiếp cận khác, theo hướng "nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không theo lối mòn truyền thống".
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, có thể tính đến việc tìm kiếm một số "thị trường ngách" để tạo sự khác biệt và đột biến, cũng như cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương đồng lòng thực hiện.
Cần một thể chế vượt trội để xứng tầm khu vực
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá việc TPHCM xây dựng Đề án phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực, là mong muốn của Chính phủ, của nhiều Bộ ngành và người dân.
Với lợi thế tự nhiên và động lực lan toả của TP.HCM đến nhiều tỉnh, thành và các quốc gia trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội "có một không hai” để hình thành một Trung tâm tài chính ngang tầm khu vực. Đây cũng là xu hướng tất yếu, biểu hiện của một quốc gia năng động nhằm thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, nên coi đây là đề án của quốc gia và cần có một thể chế vượt trội để triển khai thành công đề án này.