Cử tri lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước
Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, nhiều ý kiến gửi tới Quốc hội cho biết cử tri và nhân dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước chậm được khắc phục.
Trong 3.526 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, cử tri, nhân dân cũng phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục.
Ô nhiễm nhưng chậm trễ công bố và xử lý
“Mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gây nguy hại đến sức khỏe Nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết.
Theo đó, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại các đô thị rất chậm. Đặc biệt, việc xử lý của chính quyền địa phương đối với sự cố môi trường, nhất là đối với các vụ cháy, nổ còn lúng túng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, cần ngăn chặn kịp thời các nguồn gây ô nhiễm.
“Tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi xả chất thải trực tiếp ra môi trường”, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt Trận Trần Thanh Mẫn khẳng định, đồng thời cho rằng cần thông tin kịp thời về tình hình, mức độ ô nhiễm môi trường để Nhân dân chủ động phòng tránh.
Đây cũng là nội dung được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tại Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: “Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan sự cố cháy nổ, nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt gây thiệt hại và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng chậm trễ trong công bố thông tin”.
Thậm chí, các bên liên quan chưa chủ động đánh giá và có biện pháp kịp thời khắc phục hậu quả của sự cố đối với hoạt động kinh tế - xã hội, môi trường, sức khỏe người dân.
“Việc xử lý các sai phạm của tổ chức, người có thẩm quyền liên quan, doanh nghiệp còn chậm, gây bức xúc trong Nhân dân”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thanh, nhiều ý kiến đề nghị phân tích rõ thực trạng ô nhiễm không khí, bụi mịn tới mức ảnh hưởng sức khỏe người dân tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm không khí đã được cảnh báo mức nguy hiểm tại một số đô thị lớn hiện nay. Thậm chí Hà Nội còn lọt top những thành phố ô nhiễm bụi mịn nhất thế giới.
Cùng với đó, sự cố cháy nhà máy Rạng Đông và mới đây là vụ đổ chất thải là dầu bẩn làm ô nhiễm nguồn nước Sông Đà một lần nữa đặt ô nhiễm nguồn nước của Thủ đô rơi vào tình trạng báo động.
Có thể bạn quan tâm
Tại sao không nên tăng giá nước đóng chai khi người dân bị ô nhiễm nguồn nước?
11:09, 21/10/2019
Sau một tuần nước bị ô nhiễm, Hà Nội khuyến cáo người dân không uống nước sông Đà
02:02, 16/10/2019
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
17:18, 12/10/2019
Kiểm soát chặt kinh doanh dịch vụ liên quan nguồn nước
Do đó, Uỷ ban Kinh tế đề nghị kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, đặc biệt là của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ vào các nguồn nước gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân tại một số địa phương.
Cùng quan điểm, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương, trước hết là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
“Cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể và kiên quyết di dời các cơ sở trong nội thành tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ, ô nhiễm môi trường, dành quỹ đất xây dựng các công trình công cộng để phục vụ đời sống của người dân, giảm tải giao thông và bảo vệ môi trường”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.