Chính phủ nhận trách nhiệm khi chậm ban hành Nghị định thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Anh Duy 21/10/2019 16:46

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, số tiền ước tính miễn thu khoảng 5.000 tỷ đồng, tuy nhiên, thực chất chưa thu ngân sách khoản này và đã nằm trong các loại thuế phí đóng từ doanh nghiệp.

Trình bày trước Quốc hội Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hiện mới có 2 quốc gia thực hiện chính sách thu tiền tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Chính phủ

Số tiền ước tính miễn thu khoảng 5.000 tỷ đồng nếu lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, lần lượt từ 1/1/2014 và 1/9/2017.

Tại Việt Nam, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010 và tài nguyên nước nêu tại Luật Tài nguyên nước 2012, lần lượt có hiệu lực 1/7/2011 và 1/1/2013. 

Tuy nhiên, do chậm ban hành các nghị định hướng dẫn chi tiết mức thu, phương pháp thu, nên Chính phủ thấy "khó khả thi" khi hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong 2,5 năm (7/2011 - 1/2014) và tiền tài nguyên nước trong hơn 4 năm (1/2013-9/2017).

Cụ thể, Nghị định 203 quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ban hành vào 1/1/2014, chậm 2 năm 6 tháng sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực. Còn Nghị định 82 hướng dẫn chi tiết Luật Tài nguyên nước ra đời sau 4 năm 8 tháng, ngày 1/9/2017, khi luật có hiệu lực.

“Số tiền ước tính miễn thu khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây mới chỉ là dự tính chưa phải khoản thu ngân sách xác định và thực chất chưa thu khoản này thì đã nằm trong các loại thuế phí từ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã quyết toán và đóng thuế phí hàng năm. Nếu hối tố phải khấu trừ các khoản thuế phí này rất phức tạp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện có 400 mỏ và 4.000 giấy phép mỏ được địa phương cấp khai thác. “Đây là tồn tại rất lớn về quản lý tài nguyên”, Bộ trưởng nói.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, để đảm bảo tính khả thi của nghị định cần đánh giá lại trữ lượng và chất lượng khoáng sản, trong khi xác định 5.000 giấy phép trên là khó khăn, nguồn lực để khảo sát thăm dò cũng là hạn chế. 

Do đó, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, lần lượt từ 1/1/2014 và 1/9/2017, thay vì trùng với thời điểm Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực trước đây.

Có thể bạn quan tâm

  • Lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước

    Lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước

    18:31, 17/09/2019

  • Từ 1/9 phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

    Từ 1/9 phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

    10:04, 21/07/2017

Đánh giá thầm tra về về Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có 2 loại ý kiến.

Thứ nhất, đa số ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng việc truy thu số tiền nêu trên là khó khả thi. Ngoài ra, cũng cần tính đến tác động ảnh hưởng của việc truy thu đến môi trường đầu tư kinh doanh, đời sống của người dân. Do đó, việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các đối tượng liên quan là cần thiết.

Thứ hai, một số ý kiến khác không tán thành với việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước và cho rằng, việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn dẫn đến những khó khăn vướng mắc là trách nhiệm của Chính phủ. Vì vậy, nếu Quốc hội cho lùi thời gian thực hiện sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc thực thi pháp luật, đồng thời, làm hụt một khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.

Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội đưa nội dung cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước vào “Nghị quyết kỳ họp” tương tự như việc Quốc hội quyết định các vấn đề có liên quan đến các khoản thu, nhiệm vụ chi hay bổ sung dự toán ngân sách.

Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, việc chậm ban hành các Nghị định hướng dẫn là trái với quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều này sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Do đó, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-6/2020).

Anh Duy