Cử tri hay hỏi "Đồng chí này là con đồng chí nào?"

Thy Hằng 24/10/2019 12:13

Có cán bộ trẻ được quy hoạch, bổ nhiệm, dư luận hay đặt câu hỏi “đồng chí này là con đồng chí nào?”. Vấn đề là cử tri thiếu niềm tin, cần minh bạch việc quy hoạch, bổ nhiệm.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng hiện nay công tác bổ nhiệm các bộ đang thực hiện thiếu minh bạch công khai.

Đại biểu Tô Văn Tám

Đại biểu Tô Văn Tám cho biết người dân, cử tri thiếu niềm tin ở công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.

Minh bạch quy hoạch và bổ nhiệm

“Trên thực tế có những trường hợp cán bộ trẻ được quy hoạch, bổ nhiệm thì dư luận quan tâm lắm và hay đặt câu hỏi “đồng chí này là con đồng chí nào?”. Tôi cho rằng nguyên nhân chính ở đây là người dân, cử tri thiếu niềm tin”, Đại biểu nêu câu hỏi đồng thời chỉ rõ nguyên nhân.

Đại biểu cho hay về nguyên tắc tất cả công chức đều có cơ hội và được tạo cơ hội thăng tiến như nhau, dù là thành phần xuất thân thế nào, con cán bộ hay con dân thường. “Vấn đề ở đây là cần phải công khai, minh bạch trong quá trình quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”, Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh. 

Do đó, Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định về vấn đề công khai, minh bạch trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ vào các chức danh được lựa chọn để người dân có đầy đủ thông tin.

“Chúng ta quy định trong luật như vậy thì người dân cũng có điều kiện, có công cụ để thực hiện quyền giám sát của mình đối với vị trí công tác, tổ chức cán bộ”, Đại biểu Tô Văn Tám nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình: "Cán bộ phải gần dân, sát dân!"

    00:00, 20/10/2019

  • Thủ tướng yêu cầu triển khai rộng rãi ghi âm, ghi hình để giám sát cán bộ

    16:41, 19/10/2019

  • Trung ương xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng về tổ chức, cán bộ

    09:00, 07/10/2019

Trước đó, cho ý kiến về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra rằng, quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức được bổ sung vào Luật nhằm xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.

“Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, khoản 6 Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả và giao Chính phủ quy định cụ thể”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết.

Giảm, truất lương hưu thay vì “xóa tư cách chức vụ”

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) bày tỏ băn khoăn về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu. 

Theo đó, Đại biểu cho rằng, cán bộ nghỉ hưu theo khái niệm về công chức thì hết chức vụ, không còn trong biên chế, không còn hưởng lương ngân sách mà hưởng lương bảo hiểm, nên việc xử lý đối tượng này rất khó.

Cùng với đó, hệ quả của hình thức kỷ luật xóa tư cách thì chỉ có thể tước bỏ một số quyền lợi vật chất đặc thù chứ không thể cắt lương hưu. Trong khi đó, nó để lại nhiều hệ lụy về mặt pháp lý là những quyết định, bằng cấp của người bị xóa tư cách chức vụ khi còn đương chức thì có còn hiệu lực hay không?

Cùng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng quy định hình thức “xóa tư cách chức vụ” đối với cán bộ nghỉ hưu chưa hợp lý.

Đại biểu cho rằng, việc quy định xoá tư cách chức vụ có nhiều điểm bất hợp lý vì về mặt pháp lý rất khó giải thích thế nào là tư cách chức vụ và trong các văn bản bổ nhiệm các chức vụ hiện nay không có văn bản nào dùng từ khái niệm là tư cách chức vụ.

Dẫn chứng kinh nghiệm của Đức là giảm hoặc truất lương hưu vĩnh viễn, đồng thời người bị kỷ luật không còn quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên bộ trưởng, thứ trưởng,… Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, đây là cách làm logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, và sẽ tránh việc vướng mắc, sa đà vào câu chuyện người này bị kỷ luật thì những văn bản, quyết định của người này còn có hiệu lực hay không.

Từ đó, Đại biểu đề nghị không nên quy định xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, mà nên quy đinh hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn, kèm theo hệ quả pháp lý là tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương…

Thy Hằng