Định hướng phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ

Th.s. Nguyễn Thị Thanh Hương Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch 24/10/2019 15:00

Một trong những giải pháp phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ đó là nâng cao vai trò tham mưu quản lý nhà nước, vai trò của Hiệp hội Du lịch và tăng cường liên kết các doanh nghiệp.

Vùng Bắc Trung Bộ có tài nguyên du lịch hết sức phong phú với dải bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc, nhiều cửa khẩu giáp với Lào. Đây là vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông - Tây với các nước trong khu vực.

br class=

Hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng sẽ làm tăng giá trị và di tích văn hóa, lịch sử.

Vùng Bắc Trung Bộ cũng là nơi sinh của nhiều danh nhân văn hóa, chính trị Việt Nam như: Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn... Có thể thấy hệ thống các di sản của vùng là những tài nguyên du lịch rất có giá trị, tạo nên sự khác biệt lớn so với các vùng khác trong cả nước.

Quan điểm phát triển du lịch vùng được thể hiện trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 phù hợp với quan điểm chung của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa - lịch sử; Liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng, xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung Bộ.

Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, Du lịch toàn vùng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Lượng khách du lịch đến vùng Bắc Trung Bộ có mức tăng trưởng khá, trung bình gần 16%/năm. Trong đó, khách du lịch quốc tế có tốc độ tăng trưởng trung bình là 9%/năm, khách du lịch nội địa có tốc độ tăng trưởng là  16,6%/năm. Năm 2017, toàn vùng đón được khoảng 25,5 triệu lượt khách, trong đó lượng khách quốc tế đạt gần 1,85 triệu lượt, lượng khách nội địa đạt 23,6 triệu lượt khách; Số lượng buồng lưu trú của vùng có tốc độ tăng trưởng trung bình là 10,2%/năm, đến hết năm 2017, toàn vùng có 65.584 buồng lưu trú; Tốc độ tăng trưởng lao động toàn vùng gần 14%/năm, tính đến hết năm 2017, số lượng lao động du lịch toàn vùng đạt 108.630 lao động; ổng thu từ du lịch của vùng có tốc độ tăng trưởng trung bình 31%/năm, đến hết năm 2017, tổng thu từ du lịch toàn vùng đạt 30.667 tỷ đồng.

Nhìn chung, Du lịch vùng Bắc Trung Bộ trong những năm qua đã có bước phát triển khá, tuy nhiên kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng với tiềm năng du lịch. Thu hút đầu tư du lịch ở nhiều tỉnh trong vùng đã được cải thiện, song các hoạt động du lịch của vùng còn ở dạng nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa có được sự hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng làm cho sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và thiếu tính cạnh tranh. Du lịch đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương trong vùng, tuy nhiên, nguồn nhân lực du lịch của hầu hết các tỉnh trong vùng nhìn chung còn hạn chế về chất lượng và thiếu chuyên nghiệp.

Việc phát triển thương hiệu, xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên nghiệp. Phát triển du lịch của vùng đang trong tình trạng “mạnh ai, nấy làm, thiếu sự góp sức, chia sẻ của các địa phương trong vùng làm giảm thế mạnh và giá trị sản phẩm du lịch. Các dịch vụ du lịch ít được đổi mới, quá lệ thuộc vào một số thị trường quen thuộc nên dễ gặp rủi ro khi có biến động. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có biện pháp khắc phục tính mùa vụ trong hoạt động du lịch nên hiệu quả hoạt động du lịch chưa cao.

Về tiếp cận điểm đến, hệ thống giao thông trong vùng đã được quan tâm đầu tư, hai tuyến đường quan trọng đi qua vùng là: Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư nâng cấp, giảm thiểu thời gian đi lại cho du khách. Hệ thống đường sắt kết nối với các trung tâm lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành Phố Hồ Chí Minh nên thuận lợi cho khách du lịch đến các điểm du lịch trong vùng. Tuy nhiên, nhìn chung giao thông đường bộ còn thiếu đồng bộ, hệ thống đường sắt còn lạc hậu do thiếu nguồn lực đầu tư nên hạn chế không nhỏ đến lựa chọn của du khách khi có ý định sử dụng phương tiện này.

Giao thông đường biển chưa phát triển do thiếu đầu tư, đặc biệt hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch như cảng biển du lịch…cảng Chân Mây của Thừa Thiên Huế cũng chỉ mới đón một số chuyến tàu du lịch do các tàu biển quốc tế cập cảng, còn hầu hết các cảng biển trong vùng như cảng Vũng Áng, Nghi Sơn, Cửa Việt chưa được khai thác phục vụ phát triển du lịch.

Bắc Trung Bộ có 4 cảng hàng không, trong đó có hai cảng hàng không quốc tế đó là: Cảng hàng không Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cảng hàng không Vinh và 2 cảng hàng không nội địa là Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Đồng Hới (Quảng Bình). Các cảng hàng không trong vùng hầu hết chưa có tuyến bay quốc trực tiếp mà chỉ thông qua cảng hàng không Nội Bài và Tp Hồ Chí Minh, nên cũng hạn chế khả năng tiếp cận của điểm đến. Mặt khác, giờ bay còn chưa thuận lợi, hoặc là quá sớm hoặc quá muộn, nên chưa phù hợp cho việc đi lại của khách du lịch đến vùng.

Sản phẩm du lịch của vùng có tính thời vụ rất rõ nét, đặc biệt là tại các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm,…Ngoài ra, đây là vùng thường xuyên chịu tác động lớn từ thiên tai như bão, lũ lụt, lở đất ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch của vùng.

Các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí của vùng Bắc Trung Bộ còn hạn chế và ít được đầu tư. Hiện nay, chỉ các trung tâm du lịch lớn trong vùng như Huế, Vinh, Phong Nha – Kẻ Bàng, Hà Tĩnh và Sầm Sơn có đầu tư cho loại hình du lịch này còn hầu hết các điểm du lịch khác hầu như chưa có, do đó du khách dễ bị nhàm chán, thiếu sự hấp dẫn du khách.

Ô nhiễm môi trường, đặc biệt môi trường nước biển đã và đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều địa phương, trong đó có vùng Bắc Trung Bộ. Năm 2016, thảm họa biển miền Trung do ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng từ khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã tác động rất mạnh tới lượng khách du lịch đến 3 tỉnh gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Do đó, vấn đề môi trường cũng đã trở thành những thách lớn trong quá trình phát triển du lịch của vùng.

Trên cơ sở hiện trạng nêu trên, phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ thời gian tới nên tập trung thực hiện một số định hướng và giải pháp sau đây:

Thứ nhất, phát triển đa dạng thị trường khách du lịch, đẩy mạnh phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.

Đối với thị trường du lịch nội địa, chú trọng khách nghỉ dưỡng biển, du lịch về nguồn, nghỉ cuối tuần, lễ hội tâm linh; Khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch sinh thái và du lịch kết hợp công vụ.

Đối với thị trường khách quốc tế, phát triển mạnh thị trường gần như Đông Nam Á, đặc biệt là các thị trường trong hành lang kinh tế Đông Tây và Đông Bắc Á; Tăng cường khai thác thị trường truyền thống cao cấp từ Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại dương...

Thứ hai, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo và đa dạng, phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo bền vững về môi trường, sinh thái.

Trên cơ sở lợi thế tài nguyên của vùng, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử trên cơ sở khai thác hiệu quả hệ thống di sản thế giới và các di tích văn hóa, lịch sử - cách mạng trong vùng; phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển. Đa dạng hóa sản phẩm nhằm khắc phục tính thời vụ của hoạt động du lịch. Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng và với các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Bình, cũng như với các quốc gia khác trên hành lang kinh tế Đông Tây.

Thứ ba, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch: Có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư, tạo cho môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển tương xứng với vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Đầu tư để xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có chất lượng cao – đẳng cấp, đồng bộ (cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí- thể thao, phương tiện vận chuyển, các cơ sở dịch vụ du lịch khác), để có đủ điều kiện để phục vụ nhu cầu của khách du lịch chi trả cao.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng; có cơ chế cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khích lệ các doanh nghiệp và người dân chủ động và tích cực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, sáng tạo ý tưởng, đầu tư nguồn lực để hình thành các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng để cùng giải quyết những vấn đề chung đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích và cạnh tranh bình đẳng giữa các tỉnh trong vùng, từng bước thực hiện vai trò động lực lan tỏa vùng kinh tế Bắc Trung Bộ.

Có cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển để tăng cường năng lực bộ máy và hoạt động xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng cùng với Tổng cục Du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và của vùng.

Có cơ chế chính sách để khuyến khích người dân và doanh nghiệp tư nhân tham gia góp ý vào các dự án đầu tư, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch như dịch vụ lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch bản địa, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm truyền thống của địa phương, cung cấp sản vật của địa phương cho phát triển du lịch.

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Bắc Trung Bộ.

Đẩy mạnh quảng bá du lịch vùng trên internet và các mạng truyền thông xã hội. Các Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp trong vùng chủ động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại những thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch Vùng thông qua việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng dựa trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng và tiềm năng du lịch của từng địa phương trong Vùng.

Tăng cường tổ chức các FAMTRIP cho các hãng lữ hành và PRESS TRIP cho phóng viên báo chí, truyền hình trong nước và quốc tế tới khảo sát tiềm năng và sản phẩm du lịch của vùng. Phối hợp với các hãng hàng không trong nước xây dựng chương trình quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ để quảng bá trên các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.

Thứ sáu, nâng cao vai trò tham mưu quản lý nhà nước, vai trò của Hiệp hội Du lịch và tăng cường liên kết trong phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ.

Nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành du lịch của Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong Vùng. Nâng cao năng lực quản lý trong xây dựng và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, đào tạo bồi dưỡng, quản lý môi trường du lịch…Tăng cường liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành ở địa phương; giữa các địa phương trong vùng để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt, hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước.

Nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ trong việc kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng, từ đó hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn.

Thực hiện liên kết chặt chẽ trong vùng về đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các chương trình liên kết chung của vùng, liên kết quảng bá xúc tiến du lịch vùng, liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng trang Web du lịch chung của vùng; đẩy mạnh liên kết với các địa phương ngoài vùng, đặc biệt chú trọng liên kết với Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Bình và Quảng Nam; thúc đẩy hợp tác liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các quốc gia trên Hành lang Kinh tế Đông Tây và trong Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng.

Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài vùng để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch Vùng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và tìm được tiếng nói chung thông qua các kênh hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của Vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh điểm đến cho toàn Vùng.

Hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.

Thứ bảy, tăng cường liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng. Tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch; Áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các doanh nghiệp du lịch ở Vùng Bắc Trung Bộ.

Thứ tám, coi trọng bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch trong quá trình đầu tư phát triển du lịch. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp (chủ yếu là các khách sạn) ứng dụng công nghệ sạch trong kinh doanh để giảm ô nhiễm, chất thải, năng lượng tiêu thụ so với các công nghệ thay thế, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

* * *

Với nhiều lợi thế rất lớn về tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử, tài nguyên thiên nhiên – sinh thái rừng, biển độc đáo và hệ thống di tích của các danh nhân, văn hóa, chính trị của Việt Nam, cùng với xu hướng đầu tư cho phát triển du lịch tại các tỉnh trong vùng ngày càng mạnh sẽ hứa hẹn cho du lịch vùng Bắc Trung Bộ cơ hội phát triển du lịch nhanh, hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.

Th.s. Nguyễn Thị Thanh Hương Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch