“Cuộc cách mạng” tinh gọn biên chế
LTS: Ngày 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Thảo luận nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.
Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Phú Khánh, Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Minh Hải… Những cái tên này đã trở thành dĩ vãng. Nó là tên của các tỉnh một thời. Sau này, các tỉnh ấy tách ra thành các tỉnh khác nhau. Nhưng không chỉ có các tỉnh, trong mấy chục năm từ sau khi thống nhất, các huyện, xã cũng được tách ra với lý do để phù hợp “yêu cầu quản lý”.
Từ những phát sinh thực tế
Cho đến những năm gần đây, hệ thống chính quyền từ xã – huyện – tỉnh đến Trung ương được kiện toàn. Thế nhưng, cũng từ đó mà một hệ quả phát sinh: đó chính là việc bộ máy hành chính ngày một phình to và ngân sách đôi khi chỉ lo việc “chi thường xuyên” đã nặng gánh. Thành thử, yêu cầu về việc “tinh gọn bộ máy” được Đại hội XII đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Tất nhiên, cùng với đó là chủ trương tinh giản biên chế. Có thể hiểu đó là hai biện pháp mạnh để khắc phục sự cồng kềnh của hệ thống.
Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng dù chủ trương của Đảng là rất đúng đắn. Đơn giản là bởi vì chủ trương “tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế” là một sự đụng chạm trực tiếp vào hệ thống vừa cồng kềnh, vừa trì trệ. Để tinh gọn và tinh giản, thì đương nhiên không thể không phương hại đến lợi ích và danh phận của từng công chức cụ thể. Cũng vì thế mà những cách thức thực hiện chủ trương này gặp rất nhiều khó khăn.
Song song với quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức, một số nơi đã rà soát, xây dựng đề án nghiên cứu chuyển một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công sang cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội đảm nhiệm.
Mấy năm trước đây, Bộ Nội vụ trình Chính phủ một Nghị định về sáp nhập một số cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh và cấp huyện. Chuyện tưởng chừng như là tất yếu bởi tùy đặc thù từng địa bàn mà có thể thiếu sở này, ngành nọ. Nhưng có đi sâu vào quá trình soạn thảo Nghị định này mới thấy: sức ì của hệ thống và sự chống đối là khá… mãnh liệt. Người ta có thể đưa ra nhiều lý do như công việc bộn bề, thiếu cấp phó nhằm trì hoãn hoặc lung lạc ý chí của những người chủ trương cải cách.
Một cách nào đó, có thể thấy rằng, “cải cách nào cũng gặp chống đối”, điều mà cựu Thủ tướng Tony Blair từng nói với Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ trước là điều hiển nhiên. Bởi bất kể một cải cách nào cũng đụng chạm đến những con người, cơ quan cụ thể. Rất tiếc, những chống đối ấy thường xuất phát từ lợi ích riêng hơn lợi ích chung.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên hai Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
11:01, 25/10/2019
Sắp xếp đơn vị hành chính nhìn từ huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long, Quảng Ninh
05:00, 25/10/2019
Thủ tướng “thúc” tiến độ dự thảo Nghị định sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
19:11, 08/04/2019
Đến quyết tâm chính trị
Trong câu chuyện tinh gọn bộ máy, mà trước hết là việc sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, có lẽ cũng do có nhiều chống đối mà đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 1/2019 đã thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết 37 về vấn đề này.
Việc sắp xếp này được xác định là góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Nghị quyết cũng khuyến khích các tỉnh thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.
Thật ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng xác định: để tinh giản bộ máy thì phải giảm đầu mối. Tại Đại hội XII của Đảng, nhiều đại biểu cũng khẳng định cần phải giảm đầu mối để xã hội có thể phát triển tốt hơn do nguồn lực được dành cho đầu tư, phát triển nhiều hơn.
Nhưng rõ ràng, nếu căn cứ theo Nghị quyết 37, thì các huyện, xã khác cũng có thể sắp xếp nếu địa phương yêu cầu và phần lớn nhân dân đồng thuận. Chỉ có điều, rất khó có một địa phương nào chủ động yêu cầu và người dân chưa chắc đã được hỏi ý kiến như Nghị quyết nêu. Có lẽ sức ì của hệ thống không cho phép một phương án sắp xếp, sáp nhập cách dân chủ như thế được thực thi. Nó phải có sức ép từ trên xuống.
Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị là một sức ép cần thiết. Bộ Nội vụ mới đây trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 cho hay: Cả nước có 46 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, trong đó 42 tỉnh, thành có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp. Điểm tích cực là Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh dù không có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đã đề nghị sắp xếp các xã theo diện khuyến khích.
Như vậy, từ Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, sức ì trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã được khắc phục một bước. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thậm chí là ở cấp tỉnh có thể cũng cần phải được tính đến.
Có lẽ việc tinh gọn bộ máy từ địa phương sẽ tạo thêm một sức ép lớn đối với tinh gọn bộ máy ở Trung ương.