[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG]: GS.TS Trần Thọ Đạt - Có nhiều cơ hội cho Việt Nam thực hiện khát vọng

Nguyễn Việt thực hiện 26/10/2019 17:05

Tương lai kinh tế Việt Nam không phải là đường vẽ lên từ quá khứ, mà phải là xu thế của thời đại.

Đây là chia sẻ của GS.TS Trần Thọ Đạt – Chủ tịch Hội đồng Trường  Đại học kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) với DĐDN bên hành lang Hội thảo “Đại học Kinh tế Quốc dân đóng góp xây dựng văn kiện Đại hội Đảng: Lựa chọn để phát triển”, sáng 26/10.

GS.TS Trần Thọ Đạt khẳng định, khi chính sách nền tảng và chính sách đòn bẩy được kết hợp với nhau, thì cả 2 sẽ tạo ra sức mạnh để chúng ta có thể đạt được mục tiêu Việt Nam có một nền kinh tế thịnh vượng , một xã hội hài hòa và một tương lai bền vững. Đây chính là 3 trụ cột của một nền kinh tế gọi là Việt Nam hùng cường. Ảnh; Nguyễn Việt

GS.TS Trần Thọ Đạt khẳng định, khi chính sách nền tảng và chính sách đòn bẩy được kết hợp với nhau, sẽ tạo ra một Việt Nam hùng cường. Ảnh; Nguyễn Việt

Thưa ông, có nhiều ý kiến đánh giá, hiện tại nền kinh tế Việt Nam vẫn đang ở quanh ngưỡng thu nhập trung bình. Vậy theo ông, nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trong giai đoạn hiện nay?

Để có thể hình dung Việt Nam sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới đây, cần phải định vị chúng ta đang ở đâu trong bối cảnh so sánh với các nước. Vì mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến 2045 trở thành nước có thu nhập cao nên phải có sự so sánh.

Nghiên cứu của chúng tôi so sánh chủ yếu với 3 nước. Thứ nhất, với Hàn Quốc, đây là một trong những nước có sự thay đổi thần kỳ về kinh tế trong 40 năm qua. Thứ hai, mô hình phát triển hài hòa của Malaysia. Thứ ba, sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhìn chung, so sánh giữa hai nước Hàn Quốc và Malaysia, Việt Nam đang tụt hậu khoảng 30 – 35 năm, với Trung Quốc chúng tụt hậu khoảng 20 năm.

Qua phân tích lợi thế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, so sánh đặc trưng kinh tế 3 nước đó với hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam, khuyến nghị của chúng tôi là Việt Nam có thể học hỏi con đường phát triển của Hàn Quốc, vì có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nếu đi theo mô hình tăng trưởng của Hàn Quốc thì đến năm 2045 Việt Nam sẽ đuổi kịp những nước có nền kinh tế phát triển cao, cụ thể như Hàn Quốc hay Malaysia.

Với các đề xuất của trường ĐHKTQD để tìm hướng phát triển trong tương lai, có 2 điểm cơ bản cần lưu ý. Thứ nhất, phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai, đổi mới cách thức ưu tiên đổi mới sáng tạo. Vậy,tại sao trường ĐHKTQD lại đưa ra 2 đề xuất này, thưa ông?

Khi khuyến nghị về các chính sách, chúng tôi luôn xác định, mục tiêu là quan trọng nhưng con đường đi đến mục tiêu còn quan trọng hơn. Hai khuyến nghị chính chúng tôi đưa ra, về mặt ngắn, trung và dài hạn chúng ta phải có chính sách nền tảng. Đó là phải đầu tư liên tục, lâu dài và ổn định vào con người; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam không phải là đường vẽ lên từ quá khứ, mà tương lai kinh tế Việt Nam phải là xu thế của thời đại.

Có thể bạn quan tâm

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Đánh giá lại GDP và câu chuyện bản chất của nền kinh tế

    00:35, 25/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Thịnh vượng và kiểm soát quyền lực (Bài 1)

    07:00, 16/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Ứng xử với kinh tế số

    05:00, 01/10/2019

  • [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Để Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng!

    05:00, 26/09/2019

Bên cạnh đó, chúng ta phải đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân, và coi đó là chính sách đòn bẩy. Chính phủ có thể có những biện pháp, chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và coi đó thực sự là một đông lực quan trọng, một chất xúc tác mới mạnh hơn của nền kinh tế. Và chúng tôi coi đó là chính sách đòn bẩy, còn những chính sách liên quan đến con người, khoa học công nghệ là chính sách nền tảng.

Một khi chính sách nền tảng và chính sách đòn bẩy được kết hợp với nhau, thì cả 2 sẽ tạo ra sức mạnh để chúng ta có thể đạt được mục tiêu Việt Nam có một nền kinh tế thịnh vượng , một xã hội hài hòa và một tương lai bền vững. Đây chính là 3 trụ cột của một nền kinh tế gọi là Việt Nam hùng cường.

Để có thể đạt được mục tiêu này, theo ông Việt Nam cần phải có những giải pháp cụ thể nào?

Giải pháp thì có rất nhiều, nhưng cơ bản vẫn cần phải dựa trên 3 trụ cột. Thứ nhất, chính sách nền tảng. Thứ hai, chính sách tạo đòn bẩy cho nền kinh tế. Thứ ba, chính sách kết hợp hài hòa giữa kinh tế - xã hội – môi trường. Ví dụ, chính sách nền tảng là đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với chính sách đòn bẩy, là tạo dư địa để hỗ trợ mạnh mẽ cho khu vực kinh tế tư nhân, phát triển vùng, phát triển đại đô thị, phát triển kinh tế mũi nhọn. Trong quá trình phát triển và tăng trưởng đó phải kết hợp giữa mục tiêu xã hội và môi trường. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam mới là thịnh vượng, hài hòa và bền vững.

Ông có thể chia sẻ về nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển như thế nào khi chúng ta sắp sửa bước sang năm 2020?

Việt Nam đang ở trong một thời kỳ có nhiều cơ hội để thực hiện khát vọng của mình. Bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay rất giống với bối cảnh các nước ở cùng thời điểm mà họ xoay chuyển tình thế. Đây là cơ hội rất tốt đưa Việt Nam tạo ra những bước ngoặt thay đổi quỹ đạo tăng trưởng mới, không chỉ “lình xình” quanh mức 6,5 -6,8%, mà phải vượt lên 7 - 8%. Theo tôi, đây có thể được coi là cơ hội vàng cho kinh tế Việt Nam.

Thủ tướng đã nhiều lần nói rằng, Việt Nam đang ở trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới tại thời điểm hiện nay. Các tổ chức xếp hạng quốc tế cũng đánh giá Việt Nam như vậy. Từ những đánh giá này, theo ông tốc độ tăng trưởng này sẽ tạo cơ hội như thế nào cho Việt Nam phát triển kinh tế trong năm 20202 và những năm tiếp theo?

Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, trong bối cảnh hiện nay thành tựu của Việt Nam không ai có thể phủ nhận, nhưng so với khát vọng của người Việt Nam thì vẫn còn có dư địa tăng trưởng cao hơn. Hiện nay Việt Nam mới tăng trưởng trung bình khoảng 6,8%, nếu muốn tăng trưởng từ 7 - 8% trong những năm tới thì cá nhân tôi nhận thấy dư địa còn rất nhiều. Vì chúng ta chưa bao giờ có giai đoạn tăng trưởng cao 7 – 8% trong nhiều năm, trong khi đó nhiều nước đã đạt được mức này.

Mặc dù thời gian vừa qua Việt Nam đã có sự cải thiện vượt bậc, tăng lên 10 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, nhưng chúng ta vẫn đứng thứ 67. Như vậy, chúng ta vẫn còn rất nhiều dư địa để có thể rút ngắn xuống 57, 47, 37 hoặc 27. Tại sao chúng ta không nghĩ đến câu chuyện này? Và tôi cho rằng đây là dự địa và Việt Nam còn rất nhiều dư địa để thực hiện một quỹ đạo tăng trưởng mới và để từng bước thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện