Đại biểu không được đi tiếp xúc cử tri vì thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội rườm rà

Thy Hằng 29/10/2019 15:47

Đại biểu Bùi Văn Cường cho biết, vì thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội rườm rà nên không được đi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 8, đồng thời phải viết 4 văn bản để chuyển Đoàn.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, trước khi được điều động về Đắk Lắk, ông là đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. 

Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết thủ tục hành chính

Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết phải viết đến 4 văn bản chuyển đoàn.

Theo quy định tại dự thảo luật, trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác. Đoàn đại biểu Quốc hội nơi đại biểu được chuyển đến sinh hoạt có trách nhiệm xác định địa bàn cụ thể để đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri và các nhiệm vụ khác của đại biểu tại địa phương.

Đại biểu cho biết, tháng 7/2019, nhận quyết định của Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. Thời điểm đó, Đại biểu Cường đang là đại biểu Quốc hội thuộc tỉnh Gia Lai.

Sau khi về Đắk Lắk công tác, Đại biểu 2 lần gọi điện cho Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nói về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội và được hứa sẽ tiến hành. Tuy nhiên, việc chuyển Đoàn đại biểu Quốc hội chưa xong thì lại đến kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Đại biểu không biết đi tiếp xúc cử tri ở đâu.

"Chẳng lẽ Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lại đi tiếp xúc cử tri ở tỉnh… Gia Lai. Còn muốn tiếp xúc cử tri ở Đắk Lắk thì chưa có quyết định chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội", Đại biểu Cường nói.

Đại biểu Bùi Văn Cường cho biết đã phải làm đơn gửi 2 Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Lắk và Gia Lai, sau đó 2 Đoàn đại biểu Quốc hội họp, tiếp đến 2 cơ quan Mặt trận Tổ quốc của 2 tỉnh họp. Sau đó, hồ sơ mới chuyển ra Hà Nội, tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và ra Nghị quyết về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội cho ông Bùi Văn Cường. "Như vậy, tôi có một kỳ không được đi tiếp xúc cử tri", Đại biểu Cường nói.

Do đó, Đại biểu đề nghị sửa quy định là, trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu Quốc hội chuyển công tác đến tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương thì đương nhiên được chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội nơi mình nhận công tác.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ trưởng Tô Lâm: "Bộ Công an rất sốt ruột vụ 39 người chết tại Anh"

    15:27, 29/10/2019

  • “Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh không nên là đại biểu Quốc hội”

    14:13, 29/10/2019

  • Nhiều Đại biểu đồng thuận thí điểm bỏ HĐND 177 phường ở Hà Nội

    11:21, 29/10/2019

"Khi đại biểu Quốc hội đó được điều động, luân chuyển đã có cấp thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyết định chuyển sinh hoạt cho đại biểu Quốc hội đó là xong. Còn như quy định hiện hành, đại biểu Quốc hội phải viết đơn, rồi 2 Đoàn có ý kiến, 2 cơ quan Mặt trận Tổ quốc của 2 tỉnh lại có ý kiến, phải mất 4 cuộc họp, thủ tục như vậy rất rườm rà phải cải tiến ngay lập tức", Đại biểu nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, phải quy định chặt chẽ trên cơ sở quyết định của cấp thẩm quyền khi điều động, luân chuyển cán bộ, trường hợp có những đại biểu Quốc hội là doanh nghiệp họ đang làm ở Hà Giang nhưng khi chuyển về Hà Nội làm thì không thể đương nhiên về Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Họ vẫn phải có trách nhiệm ở địa phương nơi mình ứng cử và trúng cử hoặc trường hợp này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

 Đồng tình với quan điểm trên của ông Bùi Văn Cường, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng, nếu đại biểu chuyển công tác về trung ương thì nên để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Còn khi chuyển công tác tới các tỉnh, thành khác thì “đương nhiên” chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội.

Thy Hằng