Đề xuất để tư nhân xây dựng hạ tầng sân bay, đường cao tốc
Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực.
Sáng 30/10, thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, nhiều đại biểu kiến nghị về các dự án hạ tầng giao thông.
Vướng mắc từ phân bổ nguồn vốn tới thi công
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đặt vấn đề chậm phân bổ nguồn vốn trong xây dựng tuyến giao thông kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài, Lào Cai và tuyến Nghĩa Lộ (Yên Bái).
“Đây là 2 tuyến đường quan trọng đã được Chính phủ hoàn thành kí kết hiệp định vay vốn, nhưng cho đến nay vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng”, Đại biểu nói.
Do đó, đại biểu Tống Thanh Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo bố trí nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khởi công dự án trong quý IV/2020 theo đúng tiến độ.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thành công tác điều chuyển tài sản, hạ tầng giao thông các tuyến đường từ tỉnh lộ thành quốc lộ các tuyến Mường Nhé qua Pắc Ma – Mường Tè – Pa Tần (quốc lộ 4H) và tuyến Mường Kim - Huội Quảng (quốc lộ 279D) trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Có cùng ý kiến liên quan hạ tầng giao thông, Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho biết những vướng mắc liên quan tới thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
“Sau khi hoàn thành dự án này, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hỏng vẫn chưa hoàn chỉnh, dù năm 2018 Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn đốc thúc chủ đầu tư là Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam”, Đại biểu Trang nêu thực tế.
Đại biểu đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam khẩn trương hoàn thành các tuyến đường dân sinh bị hư hỏng.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong năm 2019, Chính phủ đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, nhất là hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Theo đó, Chính phủ sẽ sớm triển khai các dự án trọng điểm, như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, thu phí tự động không dừng.
Năm 2020 sẽ hoàn thành các dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, đồng thời cơ bản hoàn thành đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thông xe một số gói thầu của 3 dự án đầu tư công thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, lựa chọn được nhà đầu tư cho 8 dự án thành phần còn lại.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ dồn lực làm sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam
14:00, 21/10/2019
Tìm "động lực mới" cho tăng trưởng
08:26, 30/10/2019
[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] PGS.TS Hoàng Văn Cường: Tăng trưởng đột phá sẽ đưa Việt Nam “nhảy vọt”
03:40, 27/10/2019
Cần có chính sách thu hút kinh tế tư nhân
Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số dự án giao thông quan trọng quốc gia chậm tiến độ, chất lượng một số tuyến đường giao thông hạ tầng chưa đảm bảo. Mặt khác, tiến độ xử lý các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT, thay đổi phương thức quản lý phương tiện giao thông trong bối cảnh ứng dụng công nghệ hiện đại, triển khai thu phí tự động không dừng... còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân.
Liên quan vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) đề xuất, cần có chính sách thu hút kinh tế tư nhân tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc…
“Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực”, ông So nói.
khẳng định kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế.
Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường.
“Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta cần xây dựng thương hiệu quốc gia ghi dấu ấn trên bản đồ kinh tế thế giới, trở thành niềm tự hào của người Việt”, đại biểu đoàn Bắc Ninh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Như So là một trong những đại biểu doanh nhân tai Quốc hội khóa này. Ông là chủ tịch HĐQT của công ty tập đoàn Dabaso Việt Nam.