Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bao giờ hoàn thành?
Tồn tại, vướng mắc chủ yếu của dự án là việc Tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa dự án vào vận hành khai thác.
Trong báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ đã nhấn mạnh điều này.
Điệp khúc "đội vốn"
Báo cáo cho biết, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 là 8.769,965 tỉ đồng (tương đương 552,86 triệu USD).
Trong đó, vốn vay của Trung Quốc gồm vốn vay tín dụng ưu đãi: 1,2 tỉ Nhân dân tệ (NDT, tương đương 169 triệu USD), lãi suất 3%/năm, các khoản phí và bảo hiểm, thời hạn vay 15 năm (5 năm ân hạn); vốn vay ưu đãi bên mua: 250 triệu USD, lãi suất 4%/năm, các khoản phí và bảo hiểm, thời hạn vay 15 năm (5 năm ân hạn). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 133,86 triệu USD.
Đến ngày 23/2/2016, tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT là 18.001,597 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỉ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó phần vốn vay của Trung Quốc: 13.867,198 tỉ đồng (tương đương 669,62 triệu USD), tăng 7.220,601 tỉ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các sai phạm dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông
01:05, 31/10/2019
Kéo dài tuyến Cát Linh - Hà Đông thêm 20 km: Chỉ là quy hoạch trong tương lai xa!
10:45, 23/10/2019
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đưa vào khai thác nếu bảo đảm an toàn
00:03, 19/10/2019
Tổng thầu Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ đánh giá an toàn hệ thống
00:29, 03/10/2019
Phó Thủ tướng truy vấn tổng thầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông: "Các ông hứa bao giờ làm xong?"
13:01, 01/10/2019
Vì sao biết không khả thi mà vẫn làm đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
00:01, 29/09/2019
Vì sao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa thể khai thác?
17:51, 27/09/2019
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Nhiều "lỗ hổng" trong quá trình đầu tư
00:03, 23/09/2019
Lý giải nguyên nhân đội vốn, Chính phủ cho biết tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; Bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; Điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; Kinh phí giải phóng mặt bằng (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật) thay đổi; Biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở và một số thay đổi khác....
Theo báo cáo, hiện nay công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị được tổng thầu tiếp tục thực hiện (tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 99%). Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được tổng thầu triển khai đạt khoảng 97%. Các công việc còn lại bao gồm thi công biển báo chỉ dẫn, thiết bị công nghệ khu Depot; khắc phục tồn tại và sửa chữa khiếm khuyết các chuyên ngành thông tin, AFC, cấp điện.
Tính đến nay, dự án đã giải ngân được phần lớn lượng vốn. Cụ thể, vốn ODA Trung Quốc giải ngân được 518 triệu USD trên tổng số vốn vay là 669,62 triệu USD (khoảng 77,49%); vốn đối ứng phía Việt Nam giải ngân được 3.196 tỉ đồng/4.134 tỉ đồng (khoảng 77,30%).
Bình luận về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là dự án bị đội vốn lớn nhất từ trước đến nay mà ông được biết, lớn hơn các con số trước đây từng có công bố. “Liệu việc vay Trung Quốc với số tiền quá lớn cho dự án này có gây bất lợi cho tiến trình bàn giao dự án hay không?” - Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi.
Ở góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, khi ký hợp đồng phải minh bạch, chặt chẽ, và quan trọng người duyệt hợp đồng phải bàn đến nơi đến chốn. Chẳng hạn theo ông, "nếu không quy định xử phạt thì tổng thầu Trung Quốc có quyền từ chối, cứ đổ qua đổ lại thì cuối cùng công việc sẽ bị trì trệ".
Chưa rõ khi nào mới… hoàn thành
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài khoảng 13km, ban đầu dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Mới đây, tổng thầu Trung Quốc đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án dự kiến vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng mốc thời gian nêu trên là khó khả thi bởi còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc (Công tác nghiệm thu thanh toán phải được thực hiện bao gồm thanh toán trọn gói và các hạng mục phát sinh, Tổng thầu nhận được chứng chỉ hoàn thành công trình).
Theo Bộ GTVT, hiện Bộ này đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành Dự án.
Về các tồn tại, vướng mắc hiện nay, Chính phủ cho biết vướng mắc chủ yếu của Dự án là việc Tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa Dự án vào vận hành khai thác.
Được biết vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan; báo cáo của Bộ này cho thấy Dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu thì chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), Ban Quản lý dự án Đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án.
Tư vấn độc lập cũng đánh giá an toàn hệ thống (đơn vị tư vấn của Pháp: Liên danh Apave - Certifer - Tricc), Tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất dẫn đến chưa đủ cơ sở để Tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm.
Do tồn tại chưa đánh giá an toàn của đoàn tàu và một số khiếm khuyết của hệ thống tín hiệu điều khiển, quản lý an toàn vận hành; đồng thời, do Tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn nên Tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.
Mặt khác, theo báo cáo của Chính phủ, quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Do đó, nếu không hoàn thành đánh giá Hệ thống đảm bảo an toàn sẽ khó có thể nghiệm thu đưa vào khai thác.
Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng phía chủ đầu tư phải hết sức chủ động. "Thực tế, chủ đầu tư đã đòi hỏi công ty Trung Quốc phải bàn giao các hồ sơ, mà cho đến bây giờ chưa thấy bàn giao. Chủ đầu tư cần phải tích cực giám sát kịp thời chất lượng, để nếu phát hiện ra những thiếu sót, thì lúc bấy giờ bắt phía công ty Trung Quốc, hoàn chỉnh bổ sung, và sửa chửa lại. Từ nay cho đến 31/12/2019, theo tôi là cuộc đua đối với thời gian để bảo đảm chất lượng của công trình này.” - ông Doanh nói.
Trước đó, ngày 30/10, Văn phòng Chính phủ phát thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ Giao thông vận tải, trong đó có dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Thông báo nêu rõ: "Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn. Những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.