Vụ việc 39 người bị chết trong container ở Anh: Gióng hồi chuông về công tác quản lý
Cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra những bài học để thảm kịch 39 người bị chết trong container ở Anh không tái diễn.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh tại phiên thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, sáng 4/11.
Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường, nạn buôn người hay đưa lậu người qua biên giới các nước là vấn nạn của thế giới và không dễ giải quyết. Trong sự việc này, các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã kịp thời có những hành động khởi tố, điều tra vụ án hình sự, phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại xử lý các công việc có liên quan, động viên, chia sẻ với gia đình các nạn nhân.
Lao động “chui” không là vấn đề mới
Những việc làm này ông Cường đánh giá là cần thiết nhưng chưa đủ, cần có sự nhìn nhận, đánh giá tình hình một cách nghiêm túc và rút ra bài học để những thảm kịch đau lòng tương tự không tái diễn. Vụ việc 39 người bị chết trong container ở Anh xảy ra có nguyên nhân chủ yếu từ hành vi tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ phạm tội, từ nhận thức không đúng đắn của các nạn nhân nhưng không thể không nói đến nguyên nhân từ những hạn chế trong thực hiện vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Tô Lâm: "Đoàn Bộ Công an mang nhiều ADN đến Anh, sớm nhất 15h chiều nay có báo cáo về"
10:50, 04/11/2019
Bộ trưởng Tô Lâm: "Bộ Công an rất sốt ruột vụ 39 người chết tại Anh"
15:27, 29/10/2019
Vụ việc 39 người bị chết trong container ở Anh: Gióng hồi chuông về công tác quản lý
15:03, 04/11/2019
39 người chết tại Anh: Nguyên nhân không từ một phía!
06:48, 03/11/2019
Cảnh sát Anh xác nhận 39 người chết trong container là người Việt Nam
06:00, 02/11/2019
Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước. Trong một số trường hợp còn chưa theo kịp, đi sau thực tiễn và chỉ khi tiêu cực xảy ra mới bắt đầu tập trung, quan tâm hơn tới việc rà soát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, chấn chỉnh tình hình. hực trạng người Việt Nam đi lao động “chui” tại nước ngoài không phải là vấn đề mới.
Mỗi năm, Việt Nam đưa khoảng hơn 100.000 người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức. Số liệu 9 tháng đầu năm 2019 là hơn 104.000 đi lao động, tuy nhiên số người lao động Việt Nam làm việc thực tế ở nước ngoài lớn hơn nhiều.
Ở một số địa phương, nhiều xã đã có tới hơn 1.000 người lao động ở nước ngoài, có nghĩa là rất nhiều người đi lao động chui ở nước ngoài theo các con đường khác nhau, từ chỗ tự nguyện đi xuất khẩu lao động chui, nhưng với nỗi sợ hãi của người nhập cư trái phép luôn phải trốn tránh pháp luật, người xuất khẩu lao động chui đã bị lợi dụng, ép buộc, bóc lột, phải làm việc trong những điều kiện tồi tệ hoặc bắt buộc phải làm công việc phi pháp và trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Đây là loại hình tội phạm phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng, khó phát hiện, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua, người bán, môi giới, dẫn dắt, đối tượng phạm tội chính của tội phạm này thường là người nước ngoài hoặc sinh sống ở nước ngoài, bị hại trong nhiều trường hợp không có thông tin về đối tượng, các đối tượng thường lợi dụng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để lôi kéo, dụ dỗ. Bên cạnh đó, chúng cũng sử dụng công nghệ thông tin, trang mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành để đưa nạn nhân đi sâu vào nội địa các nước láng giềng hoặc đi qua các khu vực biên giới, các đường tiểu ngạch, lối mòn, gây khó khăn cho công tác quản lý xuất nhập cảnh.
Thực trạng tội phạm mua bán người, tội phạm tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của việc tham gia vào những đường dây buôn bán người kết quả còn rất hạn chế, trách nhiệm này trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, thực trạng này cũng cho thấy việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý an ninh biên giới, quản lý xuất nhập cảnh trên các địa bàn còn bất cập.
Siết lại khâu quản lý
Việc giải quyết công ăn việc làm để nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, việc tổ chức đưa người đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức, kết quả cũng còn hạn chế. Đặc biệt, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa đấu tranh hiệu quả để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây mua bán người, các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo, tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Từ bất cập đó, ông Cường đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn về trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc và rút ra các bài học kinh nghiệm từ vụ việc này để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước. Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền quan tâm lãnh đạo, tổ chức tốt công tác phòng, chống mua bán người bằng nhiều biện pháp đồng bộ về kinh tế, hành chính, pháp luật.
Ngoài ra, việc lồng ghép công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn.
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết, vụ việc này xảy ra tại Anh, cho nên kết luận về tội danh gì do nước Anh kết luận, còn theo pháp luật Việt Nam, hành vi này không phải là hành vi buôn người mà hành vi này là hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 349 của Bộ luật Hình sự. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An tiến hành khởi tố vụ án và đến ngày hôm qua (3/11) Công an tỉnh Nghệ An lập tức tiến hành bắt giữ 8 đối tượng có liên quan đến đường dây này.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Chiến (Hà Nội), vấn đề đặt ra cho dù là băng nhóm buôn người hay tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép, vừa qua công an Việt Nam cũng đã có những biện pháp mạnh mẽ để điều tra đối với 8 người có dấu hiệu vi phạm về tổ chức đưa người ra nước ngoài. Đây là một hoạt động rất tích cực của cơ quan công an để ngăn chặn những hành vi có thể là buôn người hoặc là tổ chức đưa người ra nước ngoài.
Tuy nhiên, ông Chiến muốn đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến việc đưa những người này ngoài ra nước ngoài lao động trái phép hoặc rơi vào tay những băng nhóm tội phạm buôn người. Đó là trách nhiệm của cơ quan công an, du lịch và đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nơi những nạn nhân này cư trú ra nước ngoài mà không quản lý được. “Vấn đề đặt ra là phải tăng cường, phối hợp mạnh mẽ hơn đối với các cơ quan chức năng, trong đó có cơ quan công an, du lịch nếu đưa người ra nước ngoài phải quản lý để không gây ra những việc như đã xảy ra”, ông Chiến nói.