Đại biểu Quốc hội lo lắng về sự vô cảm, thờ ơ của nhiều tổ chức, cá nhân

Anh Duy 05/11/2019 11:01

Dẫn ví dụ về vụ việc cháy kho của nhà máy phích nước Rạng Đông cũng như sự cố nước sạch nhiễm dầu của CTy Sông Đà, Đại biểu Quốc hội cho rằng cần báo động về tình trang vô cảm, thờ ơ.

Thảo luận tại Nghị trường Quốc hội sáng 5/11 về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật nhưng vô cảm và không xin lỗi.

Đại biểu Trần Thị Dung

Đại biểu Trần Thị Dung khẳng định cần sự vào cuộc của cơ quan, chính quyền để mọi việc được xử lý công khai, minh bạch rõ trách nhiệm nhằm đảm bảo quyền của công dân

Theo đó, Đại biểu đề cập tới vụ việc cháy nhà kho của Công ty CP nhà máy phích nước Rạng Đông, tuy nhiên 10 ngày sau vụ cháy khiến hàng chục kg thủy ngân phát tán ra môi trường, công ty này mới gửi thư xin lỗi chính quyền các cấp, lực lượng PCCC, người dân vì đã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Đó là khi cơ quan chức năng công bố kết quả quan trắc khẳng định vụ cháy có ảnh hưởng đến môi trường, vì không đừng được, công ty này mới lên tiếng xin lỗi”, Đại biểu Trần Thị Dung nhấn mạnh. 

Cùng với đó, Đại biểu đoàn Điện Biên nhắc tới vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải. Theo đó, chiều ngày 17/10, khi các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cùng Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) họp báo về vụ việc này, đại diện Viwasupco không những không xin lỗi người dân mà còn cho rằng họ là nạn nhân lớn nhất. 

“Hơn 2 tuần sau khi xảy ra sự cố, Công ty cổ phần nước sạch Đà mới đưa ra lời xin lỗi do sức ép của dư luận”, Đại biểu nhấn mạnh, đồng thời cho biết nhiều người dân cho rằng lời xin lỗi này chỉ nhằm xoa dịu dư luận chứ không phải xin lỗi thực lòng.

Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của Viwasupco đối với sức khỏe của người dân phải dùng nước bẩn trong suốt 2 tuần. Sáng 4/11, tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội về an toàn thực phẩm, lãnh đạo UBND Thành phố đã khẳng định, Viwasupco phải chịu trách nhiệm trong việc giấu giếm sự việc.

Có thể bạn quan tâm

  • Đạo đức kinh doanh và lời xin lỗi "không sạch" của Viwasupco

    03:03, 26/10/2019

  • Lời xin lỗi muộn màng của Công ty nước sạch sông Đà

    15:23, 25/10/2019

  • Sau một tháng, Chủ tịch UBND Hà Nội “xin rút kinh nghiệm” sự cố nước sạch Sông Đà

    16:42, 04/11/2019

  • Công ty nước sạch sông Đà được ưu đãi 'khủng' thế nào?

    12:09, 04/11/2019

  • TS Nguyễn Sĩ Dũng: Cần nâng cao "năng lực mặc cả" của Nhà nước sau sự cố nước Sông Đà

    14:04, 22/10/2019

  • Xã hội hoá dịch vụ công nhìn từ câu chuyện... nước Sông Đà

    05:00, 22/10/2019

  • Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu: Ai bồi thường thiệt hại cho người dân?

    22:01, 21/10/2019

“Những sự việc trên để lại câu hỏi lớn đối với người dân. Những người dân – nạn nhân trong các sự cố trên rất cần sự vào cuộc của cơ quan, chính quyền để mọi việc được xử lý công khai, minh bạch rõ trách nhiệm nhằm đảm bảo quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp”, Đại biểu Dung nhấn mạnh.

Không chỉ sự thờ ơ của cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp, sự thờ ơ vô cảm cũng từng được các Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn trong chính bộ máy nhà nước. Từng có ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhận định, thờ ơ vô cảm là tiếp tay với thói thiếu trách nhiệm.

Vị Đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, cần chống lại sự thờ ơ vô cảm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị, pháp luật cần bổ sung quy định để hạn chế sự thờ ơ, vô cảm, tạo thuận lợi để người dân tố cáo những người thờ ơ, thiếu trách nhiệm. "Sắp tới Đại hội Đảng xin đừng để người thờ ơ, vô cảm giữ bất kỳ chức trách nào trong bộ máy công quyền", Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất.

Anh Duy