Quy hoạch điện và nghịch lý thiếu - thừa
Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt năm 2016, có tầm nhìn đến 2030 nhưng hiện đang có dấu hiệu bị vỡ.
Điều này đặt ra nhiều yêu cầu đối với Quy hoạch điện VIII dự kiến sẽ được hoàn thành vào giữa năm sau. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt năm 2016, nhu cầu năng lượng cả nước mỗi năm tăng khoảng 10% và đến năm 2030 cơ cấu nguồn điện của Việt Nam sẽ phải đạt gần 130.000 MW, tương ứng với điện năng thương phẩm là hơn 500 tỷ kWh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Các cơ quan liên quan đã gần như bỏ quên khâu đầu tư vào truyền tải điện, nên đã xảy ra nghịch lý các nhà đầu tư đầu tư vào khâu phát điện thì lại không có khả năng bán điện do nơi mua điện không đủ khả năng tiếp nhận. Điện mặt trời hay điện gió là xu hướng của thế giới và Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp làm thì bây giờ ngành điện phải có trách nhiệm mua đủ và mua hết công suất của họ, không thể ép nhà đầu tư sản xuất ít lại được. Nếu để tình trạng ép sản xuất ít đi trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, sẽ không chỉ gây thiệt cho nhà đầu tư, người tiêu dùng mà còn gây lãng phí tài nguyên quốc gia cũng như nguồn lực xã hội. Điều quan trọng hơn là mất lòng tin của doanh nghiệp. Ai đền bù thiệt hại nếu các nhà máy năng lượng ngàn tỷ hoạt động không hết công suất? Ai sẽ đền bù niềm tin bị rơi rụng nơi các nhà đầu tư sau vụ việc này? Ai đang để cho điện mặt trời, điện gió phát triển vượt năng lực truyền tải? |
Nhiệt điện thiếu, thủy điện loạn quy hoạch
Quy hoạch điện VII điều chỉnh xác định sẽ đề cao phát triển thủy điện nhưng cũng yêu cầu giảm tỷ trọng công suất từ các nguồn này. Nguyên nhân là do xây dựng các công trình thủy điện ảnh hưởng đến môi trường sinh thái lớn, có tác động trực tiếp đến đới sống người dân.
Nhưng hiện nay, nhiều dự án thủy điện đã được cấp phép tràn lan, đầu tư dàn trải. Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến 2018, cả nước có 818 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp đặt 23.182 MW.
Đặc biệt, quy hoạch yêu cầu phát triển thủy điện đi đôi với bền vững môi trường, nhưng hầu hết các nhà máy thủy điện hiện nay được cấp phép mà không có đánh giá tác động lâu dài tới thiên nhiên. Thậm chí, như ở Nghệ An, 1km sông có tới 3 nhà máy thủy điện.
Đối với nhiệt điện, Quy hoạch điện VII điều chỉnh vẫn xác định nhiệt điện, bao gồm cả nhiệt điện than và nhiệt điện khí (kể cả khí hóa lỏng, là nguồn chính phục vụ đời sống sản xuất.
Trong đó, tới năm 2020, nhiệt điện than có tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất Khoảng 131 tỷ kWh điện (49,3% điện sản xuất), tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suất khoảng 47.600 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện (55%), tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, đạt 55.300 MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh (53,2%) tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than…
Nhưng hiện nay, nhiều nhà máy nhiệt điện đang thiếu than sản xuất. Số liệu từ Báo cáo Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là nước thuần nhập khẩu than để dùng cho nhiệt điện. Từ 2020 - 2030 nhập khẩu thân nhiên liệu sẽ tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điện VIII
05:00, 06/10/2019
“Phập phù” quy hoạch điện
06:07, 16/12/2018
Điều chỉnh quy hoạch điện VII: Thách thức ngành điện
16:17, 16/08/2016
Năng lượng tái tạo... thừa
Quy hoạch điện 7 cũng xác định sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.
Nhưng hiện nay, tổng số công suất lắp đặt các dự án điện năng lượng tái tạo trên toàn quốc đạt trên 5.000 MW.
Hệ quả, một số tỉnh đang xảy ra tình trạng cắt giảm công suất do quá tải hệ thống truyền tải do sự không đồng bộ trong đầu tư hệ thống lưới điện.
Ngày 26/6/2019, Hiệp hội điện gió Bình Thuận (BTWEA) đã buộc phải gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương và Tập đoàn điện lực Việt Nam phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện.
Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch BTWEA, cho biết trong tháng 6/2019, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới. Tỷ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38-64% và ngày nào cũng bị cắt.
Trước đây khi các doanh nghiệp này ký với EVN hợp đồng mua bán điện, không có điều khoản nào nói đến việc yêu cầu phải cắt giảm công suất.Theo công văn trên: “Lưới điện bị quá tải và việc này là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải lỗi của nhà đầu tư. Việc thiếu đồng bộ này gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, gây lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo”.
Như vậy, kịch bản Quy hoạch điện VIII dự kiến, cùng với các giải pháp phát triển lưới điện truyền tải từ 220kV trở lên thì việc cân đối, phát triển hợp lý các nguồn điện là yêu cầu được đặt ra. Theo kế hoạch, tháng 6/2020, Quy hoạch điện VIII sẽ phải hoàn thành. Việc tính toán để phát triển các nguồn điện và các thành phần khác theo cơ cấu như thế nào để phù hợp với nền kinh tế, đang là một thách thức được đặt ra.
Hi vọng điều này sẽ được Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời cụ thể trong kỳ chất vấn này.